Ông Brian Pinker (82 tuổi) là người đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa OVID-19 do đại học Oxford và AstraZeneca nghiên cứu, sản xuất.
Sáng nay (5/1), Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Việt Nam đã ký với AstraZeneca bảo đảm vắc xin cho 15 triệu người Việt Nam (30 triệu liều).
Hiện nay, Anh đã bắt đầu tiêm loại vắc xin AstraZeneca/Oxford cho các đối tượng ưu tiên.
Brian Pinker, bệnh nhân lọc máu, là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc xin này tại bệnh viện Churchill (Anh) lúc 7h30 sáng 4/12 (giờ địa phương).
Ông Pinker bày tỏ vui mừng khi được tiêm vắc xin của AstraZeneca/Oxford và cảm thấy tự hào vì loại vắc xin này được sáng chế tại Oxford.
Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết, ngoài ông Pinker, ông Andrew Pollard – người đứng đầu nhóm vắc xin Oxford, trưởng nhóm điều tra cuộc thử nghiệm vắc xin, cũng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Oxford.
NHS là đơn vị đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Oxford, sau khi cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phấm y tế của Anh (MHRA) phê duyệt cho sử dụng vắc xin này vào tuần trước.
Việc phê chuẩn và triển khai tiêm vắc xin của AstraZeneca/Oxford được xem như một tín hiệu tích cực trong cuộc chạy đua với COVID-19, bởi loại vắc xin này có chi phí thấp hơn so với các loại vắc xin của Pfizer/ BioNTech và Moderna.
Ngoài ra,vắc xin của AstraZeneca/Oxford có thể được bảo quản, vận chuyển và sử dụng trong các điều kiện làm lạnh bình thường (từ 2 đến 8 độ C hoặc từ 36 đến 48 độ F) trong ít nhất 6 tháng.
Khi vắc xin này được phê duyệt vào tuần trước, AstraZeneca đã chia sẻ mục tiêu “cung cấp hàng triệu liều vắc xin trong quý đầu tiên” và đây là một phần của thỏa thuận giữa công ty này và Chính phủ Anh về việc phân phối 100 triệu liều vắc xin (mỗi người cần tiêm hai liều). Nếu thỏa thuận này được thực hiện, 50 triệu người trong tổng số 66 triệu người dân tại Anh sẽ được tiêm chủng.
Trong thông cáo ngày 4/1, Chính phủ Anh cho biết, đã có sẵn 500 nghìn liều vắc xin, hàng chục triệu liều khác sẽ được bàn giao trong những tuần, tháng sắp tới, ngay sau khi các lô vắc xin được MHRA kiểm tra chất lượng.
Anh sẽ ưu tiên tiêm vắc xin của AstraZeneca/Oxford cho cư dân và nhân viên của các viện dưỡng lão, người từ 80 tuổi trở lên, nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc sức khỏe, sau đó đến lượt phần còn lại của dân số nước này theo thứ tự độ tuổi, nguy cơ lây nhiễm…
Trước đó, vào đầu tháng 12/2020, Anh đã bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin ngừa COVID-19, bắt đầu bằng việc sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech. Theo số liệu của Chính phủ Anh, đến nay, hơn một triệu người đã được tiêm vắc xin của Pfizer-BioNTech. Anh sẽ xây dựng hơn 730 địa điểm tiêm chủng trên cả nước ngay trong hôm nay và dự kiến mở thêm hàng trăm địa điểm khác vào trong tuần này.