Ngọn núi lửa nổi tiếng ở Indonesia hút khách du lịch nhờ dòng nham thạch phát ra thứ ánh sáng màu xanh kỳ diệu, khác hẳn với dòng dung nham đỏ rực thường thấy.
Núi lửa thường là trung tâm của huyền thoại và văn hóa dân gian tại những nơi nó tồn tại. Những ngọn núi lửa “hung dữ” phun trào nham thạch dữ dội là nỗi ám ảnh với con người trong suốt nhiều thế kỷ. Có một ngọn núi lửa vượt lên danh tiếng của tất cả, nổi tiếng với thứ ánh sáng màu xanh. Đó là núi lửa Kawah Ijen của Indonesia.
Núi lửa Kawah Ijen là một phần của quần thể núi lửa ở Banywang Regency, Java, Indonesia. Nó cũng là một trong những ngọn núi lửa “bất thường” nhất thế giới. Bởi lẽ, thay vì tạo ra dòng dung nham màu đỏ và khói đen thường thấy, các hoạt động trong lòng đất của Kawah Ijen tạo nên ngọn lửa màu xanh kỳ lạ bốc lên không trung.
Trên thực tế, màu xanh này không huyền ảo như nhiều người tưởng tượng. Đây chỉ là phản ứng hóa học cơ bản. Thông thường, dung nham có màu đỏ, nhưng do sức nóng và quá trình đốt lưu huỳnh cháy khiến phát ra ánh sáng xanh lam. Hiện tượng này xảy ra khi khí lưu huỳnh của núi lửa tiếp xúc với nhiệt độ không khí trên 360 độ C.
Thứ ánh sáng xanh này chỉ nhìn rõ vào ban đêm. Khung cảnh khi đó được đánh giá là rất “phi thường”. Từng có mặt tại đây, nhiếp ảnh gia Olivier Grunewald chia sẻ: “Vào đêm tối đứng gần miệng núi lửa, chúng tôi như đang sống ở hành tinh khác”.
Tại đây, du khách cũng tìm thấy một hồ axit lớn nhất thế giới, nằm tại vị trí thuận tiện trong miệng núi lửa
Thứ nước trong hồ có màu lam ngọc, đe dọa trực tiếp sự sống của sinh vật.
Khu phức hợp núi lửa Ijen còn cất giữ một “bí mật đen tối” khác. Đó còn là một trong những nơi khai thác mỏ lưu huỳnh lớn và nguy hiểm nhất thế giới.
Những thợ mỏ địa phương sống dựa vào nguồn lưu huỳnh tự nhiên làm kế sinh nhai.Họ làm việc ngay gần miệng núi lửa mà không có sự bảo vệ nào. Bất chấp nguy hiểm, họ hàng ngày vào núi, thu nhặt lưu huỳnh dạng rắn để bán lấy tiền. Mỗi người thợ được trả khoảng 680 rupiah Indonesia/kg lưu huỳnh rắn.
Điều kiện làm việc tại đây rất nguy hiểm, không chỉ đòi hỏi sự nhanh nhẹn và sức bền để đi bộ rồi xuống dốc tới núi lửa, những người thợ tiếp xúc với khí lưu huỳnh độc hại trong thời gian dài mà không có mặt nạ dưỡng khí hay thiết bị an toàn, khiến sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Huy Hoàng/ Dân trí