Trở về nhà với những vết thương cả tinh thần và thể xác, nhưng vì vợ con nên ông Nguyễn Sỹ Lý đã gạt bỏ mọi hận thù làm lại cuộc đời.
Nhiều đêm ác mộng bị giam cầm
Bước sang mùa đông, từng đợt gió lạnh thổi đến cũng là lúc đôi chân của ông Nguyễn Sỹ Lý (64 tuổi) trú thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đau nhức đến tê dại. Hơn 33 năm được trả lại tự do, ông Lý vẫn chưa thể thôi nỗi ám ảnh những ngày ở trong ngục tù.
Nhiều đêm, ông vẫn thao thức nghĩ về chuyện hồi xưa, về bước ngoặt khiến cả cuộc đời ông thay đổi: “Nếu tôi không dính vào chuyện đó thì có lẽ hiện nay vẫn đang là một giảng viên đại học chứ không là một người tật nguyền như thế này”, ông Lý trầm ngâm.
Năm 1980, ông tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp Hà Nội và được bố trí vào giảng dạy tại đại học Tây Nguyên. Chàng thanh niên lúc đó vẫn đang khát khao với nhiều hoài bão của tương lai, thế nhưng chỉ sau 2 năm thì bất ngờ vướng vào vòng lao lý khi về quê đón tết Quý Hợi. Một vụ án giết người xảy ra ngay đầu ngõ và cha con ông bị công an triệu tập vì nghi ngờ có liên quan.
Ngày 20/9/1983, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Nguyễn Sỹ Lý 17 năm tù giam về tội Giết người, cũng là thời điểm bắt đầu những ngày khốn khổ trong ngục tù. “Hàng chục năm trôi qua, thỉnh thoảng tôi vẫn bị ác mộng thấy bị giam cầm. Một người được ăn học từ nhỏ như tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải ngồi tù, chứ không tưởng tượng được là tận 5 năm. Việc đó đã khiến tôi bị chấn động, tổn thương trong thời gian dài”, ông Lý nhớ lại.
Một điều nhỏ thắp sáng cuộc đời tối tăm trong 2.000 ngày ở ngục tù đó là ông có thêm một người bạn tri kỷ, có thêm một người anh em, người đã giải không quản ngại khó khăn đi tìm công lý giải oan cho ông. Giữa năm 1988, sau nhiều nỗ lực tìm công lý của ông, gia đình và đặc biệt là người bạn tù thì phiên xử tái thẩm tuyên Nguyễn Sỹ Lý vô tội. Mặc dù được giải oan nhưng ông trở về vẫn trong tâm trạng của sự tủi nhục, đau đớn cả tinh thần và thể chất.
“Do bị án oan nên tôi được bồi thường 60 tháng tiền lương, tương đương với 750.000 đồng. Ngoài ra, phía công an cũng đến bù 250.000 đồng tiền tổn hại sức khỏe. Tổng cộng tròn 1 triệu đồng. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu sau 5 năm tôi bị ngồi tù oan. Hồi đó tôi chỉ nghĩ bản thân đã quá may mắn khi thoát khỏi kiếp giam cầm nên cũng không dám đòi hỏi gì thêm”, ông Lý nói.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc chẳng kéo dài, bởi chỉ sau 2 năm do những tàn dư của những ngày trong tù đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Trong một lần đạp xe đi giữa làng thì ông bất ngờ ngã bất tỉnh, phát bệnh, liệt tứ chi. Ước mơ trở lại giảng đường đại học, ước mơ được bù đắp cho vợ con những tháng ngày sống hạnh phúc sụp đổ.
Tha thứ để làm lại tất cả
Đến lúc biết rằng số phận không thể khác được nữa, ông đã quyết định ở lại quê nhà cùng vợ con. Không làm được công việc nặng, vợ chồng ông làm nghề chế biến đậu phụ, gói chả giò, rồi nuôi gà để có tiền chăm 3 đứa con ăn học. Từ đôi tay cầm phấn, nay ông làm đủ nghề chỉ với hi vọng mình không phải là gánh nặng của gia đình.
“Tôi may mắn có vợ luôn ở bên động viên dù là thời điểm khó khăn nhất. Có những lúc, vợ tôi phải chạy chợ từ mờ sáng đến sẩm tối mới về nhà. Tôi thì chỉ còn biết lấy cần cù, chăm chỉ để bù đắp giúp vợ. Từ 2-3h sáng, vợ chồng đã phải dậy làm hàng đậu phụ, làm giò để kiếm miếng ăn”, ông nhớ lại.
Bà Lê Thị Len (61 tuổi) kể, ngày ông bị án oan đứa con gái đầu mới hơn 1 tuổi. Trong thâm tâm, bà tin chắc rằng chồng mình không phạm tội nhưng bà không biết kêu ai đành chờ đợi. Trong 2.000 ngày ông ở tù, một tay bà chăm con, chăm bố mẹ chồng và phải vật lộn mưu sinh kiếm sống. Đến khi ông trở về rồi ngã bệnh, bà cũng chưa bao giờ hé răng than thở một lời.
“Đến bây giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu mình đã vượt qua những ngày đó như thế nào nữa. Ông ấy ở tù còn cực hơn tôi. Tôi chỉ mong ông ấy và các con khỏe mạnh thì mình có chịu cực khổ một chút cũng không sao”, bà Len kiệm lời nói.
Cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng niềm hạnh phúc lớn của vợ chồng ông là các con đều lần lượt vào đại học. Trong đó, con gái thứ hai đang làm việc ở TP.HCM, còn con trai út cũng đã tốt nghiệp đại học Xây dựng sau đó ở lại Hà Nội làm việc. Giờ đây, hàng chục năm đã trôi qua, mặc dù vết thương vẫn còn đó nhưng giờ không còn rỉ máu nữa. Vì vậy, ông Lý tâm sự trả thù cũng chẳng được gì nên ông chọn tha thứ và coi đó là số phận của ông.
“Năm 2001, hung thủ thực sự đã cúi đầu nhận tội vì đã vu oan cho tôi. Lúc đó, tôi đã đồng ý hóa giải mọi hận thù. Ngồi tù cũng ngồi rồi, đâu thể nào quay lại quá khứ được nữa. Điều tôi mong muốn bây giờ là được sống cùng vợ con êm ấm những ngày về già”, ông Lý nói.
Ngày chúng tôi đến thăm ông thì gia đình đang hoàn thiện ngôi nhà màu trắng 2 tầng
vô cùng khang trang. Ông cười khoe không nghĩ rằng cuối đời lại được ở trong ngôi nhà to đẹp như vậy. Sóng gió hơn nửa đời người, chúng tôi cũng thấy mừng khi ông buông bỏ để hưởng thụ cuộc sống với vợ con.
Ông Phạm Hải – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình ông Lý là một trong nhưng hộ làm ăn kinh tế giỏi. Chỉ với nghề đậu phụ, giò chả nhưng ông bà đã nuôi các con ăn học thành tài. Mới đây, gia đình cũng vừa xây được 1 ngôi nhà vô cùng đẹp. Tôi cũng nghe về vụ án oan của ông Bình, vì vậy càng khâm phục hơn trước nghị lực của ông bà”.