Cha của chúng ta, anh hùng và hoàng đế

TTO – Trong đôi mắt ấu thơ của những đứa con trai, người cha của chúng là anh hùng. Trong đôi mắt những đứa con gái, người cha là vị hoàng đế của bảo bọc và thương yêu.

Cha của chúng ta, anh hùng và hoàng đế - Ảnh 1.

Khi ta còn thơ ấu, cha sẽ cho ta biết những đúng sai đầu tiên trong cuộc đời, đôi khi trực tiếp, đôi khi bằng cách sống của mình. Những mực thước đạo lý và lý trí, kể cả ý chí nữa, sẽ được hình thành từ đó.

Ba Harin

Và những đứa con trai, những đứa con gái lớn lên…, cái nhìn về người cha được mở rộng, đi sâu trong những tương quan, chiều kích phức tạp của cuộc đời. Vị anh hùng hay hoàng đế trong tâm hồn tuổi nhỏ sẽ trở về đúng nghĩa là con người với tất cả đường nét đẹp đẽ lẫn dấu vết nhạt nhòa giữa nhân gian này.

1. Tôi đã mang theo cuốn sách Ba ơi, mình đi đâu? của Jean-Louis Fournier (Phùng Hồng Minh dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2009) khi đưa cha mình vào bệnh viện. Tôi ngồi đọc cuốn sách mỏng ấy khi chờ bác sĩ nội soi, chụp phim, sinh thiết và thông báo kết quả bệnh tình của cha.

Hoàn cảnh của người cha 70 tuổi trong cuốn sách hồi tưởng về thời gian sống trong dằn vặt, đau buồn và nỗi ám ảnh thất bại với hai đứa con tật nguyền của mình trái ngược với hoàn cảnh của tôi lúc ấy – một thằng thanh niên đang loay hoay nghĩ cách nâng dậy tinh thần của cha trong cơn bạo bệnh. Người cha trong sách nhìn hai đứa con ngờ nghệch như hai con sẻ xù lông thảm hại, có khi như lũ yêu tinh (trong cách nói hài hước chua chát của ông), còn tôi nhìn thấy ở cha mình sự tiều tụy và gần như cạn kiệt sinh lực.

Khung cảnh mùa thu lá vàng tuyệt đẹp trên những con đường dài hay mùa đông tuyết trắng lạnh lẽo, người cha cô độc bên hai đứa con của mình, chuyến xe của ba cha con họ có lúc đã không biết chạy về đâu. Có lúc người cha trong sách đã nghĩ rằng, thượng đế mang bọn trẻ đến là để ông được chứng kiến hai lần tận thế. Có lúc ông đã nghĩ mình là kẻ thất bại trong trò chơi xổ số di truyền. Có lúc ông đã nghĩ đến chuyện phóng xe thật nhanh để mọi thứ được kết thúc gọn.

Nhưng rồi, câu hỏi mơ hồ của đứa con thiểu năng “Ba ơi, mình đi đâu?” đã kéo ông lại với những yêu thương nhức nhối, khiến ông chấp nhận, trở thành “người bạn” đầy tin cậy trong khoảng thời gian ngắn ngủi bọn trẻ đi qua cuộc đời.

Tôi đã dùng cuốn sách che vội đôi mắt ướt khi cha tôi bước ra khỏi phòng gây mê. Trước đó, bác sĩ đã đọc hình ảnh và báo với tôi hung tin: ba tôi bị ung thư dạ dày, tiên liệu xấu.

Như người vừa bước ra khỏi giấc mộng dài đã phải đối diện với nỗi dự cảm bệnh tật, cha tôi mơ màng: “Con ơi, giờ mình đi đâu nữa vậy con?”.

2. Người cha trẻ trong cuốn sách Cha và con của Tony Parsons (Nguyễn Liên Hương dịch, Nhã Nam & NXB Lao Động, 2015) cũng từng là một anh hùng trong mắt thằng bé Pat, một đứa nghiện những anh hùng trong phim Chiến tranh giữa các vì sao. Người cha trẻ ấy đã có lúc sống như chiếc gạch nối hoàn hảo giữa cha mình – một người cha khi về già nhưng vẫn còn giữ hình tượng một vị anh hùng mẫu mực, lạnh lùng và giá băng sâu thẳm – và một đứa con trai bé bỏng hồn nhiên.

Cái gạch nối ấy lung lay khi người cha trẻ phạm một sai lầm và cuộc hôn nhân tan vỡ. Pat lớn lên trong sự giằng kéo khó hóa giải khi cha mẹ không còn sống chung.

Một ngày, nhận tin người cha của mình rời cõi tạm, anh ta trở về, như đồng vọng dụ ngôn đứa hoang đàng trong Kinh thánh: “Rồi tôi từ từ đi về nhà, lái xe cẩn thận quá mức vì tôi biết rằng đầu óc mình đang ở một con đường khác, rằng nó cứ vẩn vơ ngoài đó, nơi có một tấm ảnh đen trắng chụp cha và con, từng thoáng thấy trong một album ảnh và một đoạn bài hát xưa nào đó nói về việc là một người lạ mặt nơi thiên đường. “Cha ơi, rốt cuộc thì”, tôi nói to, cảm thấy thật sự cần phải nói chuyện với ông già tôi, thật sự cần biết ông nghĩ gì. “Việc con làm có đúng không cha?””.

Cha của chúng ta, anh hùng và hoàng đế - Ảnh 4.

Ảnh: N.V.N.

3. Khi ta lớn lên, cùng với tuổi trời, người cha trở nên trầm lặng và lùi dần vào thời gian. Đó không còn là người đàn ông tuổi đôi mươi với trái tim rộn ràng sau cánh cửa phòng hộ sinh, chờ tiếng khóc chào đời của đứa con. Đó không còn là người cha có thể phân xử mọi việc đâu ra đó. Đó không còn là người cha từng chung chia ấu thơ với ta khi nâng ta lên bầu trời xanh trên đầu mình, hơn hết, đã âm thầm đối diện với cuộc đời sóng gió hay bão tố, có khi từng khụy ngã nhưng luôn tìm cách vực dậy… Và người ấy đi vào hư vô không một vết dấu.

Paul Auster nảy ra ý định viết cuốn sách về cha khi một ngày đang loay hoay với đứa con nhỏ thì nghe tin cha qua đời. Và trên đường về nhìn cha lần cuối, ông cố gắng làm sống lại trong đầu những chi tiết về cha. Paul Auster viết thật hay trong Khởi sinh của cô độc (Phương Huyên dịch, NXB Trẻ, 2013): “Khi người cha qua đời, người con trai trở thành cha của chính con trai mình. Anh nhìn vào người con trai và thấy bản thân mình trong gương mặt cậu bé. Anh tưởng tượng về điều cậu bé thấy khi nhìn vào anh và thấy mình biến thành cha của mình trước đây. Không hiểu tại sao anh xúc động vì điều ấy”.

Vì đó là người cha.

Ba sẽ học làm ba!

Đây là lời hứa của ba, làm ba không chỉ là bản năng mà cần thật nhiều kỹ năng, nhất là trong thời buổi này: khoảng cách thế hệ với những khoảng rộng hơn, sâu hơn.

Học làm ba, có nghĩa là ba sẽ học để hiểu con hơn.

Con được lớn lên giữa thiên nhiên trong lành, biết hạt lúa nảy mầm để gieo màu xanh cho đồng ruộng. Rồi bông lúa sẽ chín, ba nhất định sẽ lấy ví dụ về bông lúa cúi đầu là bông lúa nặng hạt để chia sẻ cùng con. “À, con trai của ba, một người biết khiêm hạ sẽ làm được những việc lớn lao hơn, biết lắng nghe người khác. Một người biết nhìn xuống khó khổ hay hạn chế của người khác sẽ biết bao dung và dễ tha thứ lỗi lầm”.

Ba biết, trên bước đường con lớn, con sẽ có những lỗi lầm. Ba sẽ nghiêm khắc nhắc con, nhưng cũng là lúc ba tự nhắc mình, ngày xưa ba từng đi qua những điều tương tự. Lúc ấy ba được nhắc nhở, được dìu qua những khúc quanh, những lúc yếu lòng, chông chênh. Rồi ba con mình cùng đi qua đoạn đó, như khi con vào tuổi dậy thì, để chuẩn bị thành một thanh niên đúng nghĩa.

Ba sẽ lắng nghe con, để hiểu con cần ở ba điều gì và cần được sống cuộc đời thế nào. Ba sẽ cho con được quyết định những điều quan trọng, tất nhiên ba sẽ chỉ cho con những được mất, “con hãy chọn và tự chịu trách nhiệm”.

Ba biết, làm ba khó lắm! Nhưng ba sẽ không lấy đó làm chướng ngại. Ngược lại, ba cảm ơn con đã cho ba cơ hội trải nghiệm, để học hỏi thêm và thích ứng, để “đuổi kịp” con trên chặng đường phía trước, là một người-bạn của con, đúng nghĩa.

Rồi thời gian sẽ trôi. Con của ba sẽ lớn. Ba sẽ già. Đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Nên giờ ba sẽ tận hưởng thanh xuân của mình, hít hà hạnh phúc được làm ba của một cậu bé 2 tuổi với lòng thương vô bờ. Ừ, ba sẽ học làm ba, để mốt mai thay vì khắt khe đòi hỏi con thế này thế khác, ba sẽ nghe con bày tỏ, chia sẻ vì sao con làm vậy. Ba hứa!

Related Posts

Làm gì khi trẻ ngày càng ngang ngược?

Với những trẻ ngang ngược và cứng đầu, các biện pháp xử lý mạnh từ phía cha mẹ như quát nạt, đánh đòn đều có vẻ vô tác dụng. Mong…

Read more

Tiêu chuẩn của phụ nữ hoàn hảo trong mắt đàn ông

Trên đời không có gì là hoàn hảo, mọi thứ chỉ mang tính chất tương đối. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cố gắng đi tìm tiêu chuẩn cho…

Read more

Hành trình tình yêu của Trương Ngọc Ánh và Kim Lý

Trải qua hai năm gắn bó, cặp tình nhân từng dẫn nhau gặp bố mẹ, thậm chí nghĩ đến chuyện kết hôn nhưng cuối cùng vẫn chia tay vì không…

Read more

Trẻ đang bị tiêu chảy có nên uống sữa hay không?

Xin chào bác sĩ, con trai tôi năm nay 7 tuổi, con hiện đang bị tiêu chảy. Trong khẩu phần ăn hàng ngày của con có sữa tươi. Con đang…

Read more

10 tác dụng kỳ diệu của nụ hôn đối với sức khỏe và sắc đẹp

Nụ hôn không chỉ là cách thể hiện tình yêu mà nụ hôn còn là thần dược ngăn ngừa bệnh tật, giảm đau, đốt cháy calo, hạn chế nếp nhăn……

Read more

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và những thực phẩm không nên ăn

Một số phụ nữ mang thai có thể bị đái tháo đường thai kỳ. Lúc này, việc băn khoăn không biết tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và cần…

Read more