Biết bao bữa cơm đã diễn ra như thế. Vẫn cơm trắng chan nước mà sao khó nuốt vậy? Có phải vì nó vừa mặn vừa chát vừa đắng với nước mắt?
Sau khi sinh em bé, tôi ở quê còn chồng làm việc trên thành phố. Trước sinh tôi được 66kg, sau có 4 tháng còn 44kg, em gái về chơi còn không nhận ra. Nguồn cơn của nó là chuỗi ngày dài khủng hoảng với mẹ chồng mang tên TRẦM CẢM!
Thâm tâm muốn lên thành phố làm việc nhưng vì thương bố chồng nên quyết định chịu khổ tìm việc ở nhà. Ông bảo: Con với cháu ở nhà thì bố còn vui vẻ chứ lên đó bố buồn lắm. Trong thời gian chờ tìm việc, bà bảo tôi làm ruộng. Nhà tôi xưa nay không làm nông nghiệp, đến cuốc đất, làm cỏ còn chẳng biết nhưng vì không muốn bà cho là ăn bám nên tôi vẫn làm.
Con nhỏ mới được 8 tháng, trời mùa hè nắng như muốn xỉu mà nào dám nghỉ. Ai giục về cũng chỉ nói “cháu làm cố chỗ này tí là xong” chứ đâu dám nói “mẹ chồng cháu không cho về sớm”. Về nhà 12h trưa bà vẫn phần tôi nấu cơm. Cứ ngày 2 buổi, hôm nào con ốm, trời mưa ở nhà thì bà bảo “không làm ăn gì”.
Từ một đứa mau mồm mau miệng, tính tình cũng hòa đồng vui vẻ, chỉ sau có 1 năm ở quê, tôi thành một con người khác hẳn, ra khỏi nhà đội nón trùm khăn kín mít, không muốn tiếp xúc, giao lưu với bất kỳ ai, ngay cả anh chị em họ, thậm chí ra sau nhà chốn.
Vốn chẳng háo ngọt nhưng vì nuôi con nhỏ nên nhiều khi đói. Nhà có rất nhiều bánh kẹo nhưng chỉ hôm nào tôi đi làm bà mới bỏ ra 1-2 cái, xong lại cất khóa tủ. có hôm đói quá phải ăn vụng gói mỳ tôm. Khi ấy, thấy sao mà thảm hại!
Có hôm bố chồng nhờ tôi mua thuốc, còn thừa hơn chục nghìn nhưng vì ông không có nhà nên định bụng để tối đưa ông. Tối ăn cơm xong chưa kịp đưa thì ông hỏi, tôi bảo “con quên chưa đưa bố”. Cũng khi ấy, một hình ảnh, không, một cảnh tượng mà dù có dùng thuốc tẩy não tôi cũng không thể nào quên được.
Bà đang nằm trên giường mà bật dậy, mắt trợn ngược hỏi như tra khảo “tiền thừa sao mày không đưa lại bố mày”, “mày định lấy luôn à”, “bao nhiêu lần đi chợ trước nay chắc thừa mày cũng cầm luôn”. Dĩ nhiên là tôi giải thích nhưng đó chỉ là nước đổ trên lá khoai môn vì bà chẳng cần nghe, chẳng thèm nghe.
Vừa phơi quần áo mà nước mắt giàn giụa. Nhưng mà bà vẫn không tha. Bà ra tận dây phơi chửi. Tôi vẫn khóc, ra sau nhà dọn dẹp. Bà vẫn chưa tha. Bà ra sau nhà chửi tiếp. Không chỉ chửi tôi, bà còn xúc phạm tới mẹ tôi, họ hàng nhà tôi ghê gớm.
Một sự phản kháng mãnh liệt bùng lên.
Chết hoặc sống tiếp, mà phải sống cho ra sống?, tôi xin phép ông bà lên Hà Nội làm việc.
– Một đi không trở lại.
– Vâng!
Sao bà không nghĩ nó cũng chẳng mong trở lại tí nào?
Đợt rồi bà bị tai biến, tôi chăm sóc từng li từng tí. Có lẽ vì vậy mà bà “suy nghĩ lại”. bà nói nhỏ thôi nhưng tôi nhớ từng từ: “Trước nay mẹ có gì không nên không phải thì cho mẹ xin lỗi”. Tôi đã tưởng đó là lời xin lỗi thật lòng.
Sau đó khoảng 1 tháng, vì có chút mâu thuẫn nhỏ mà bà làm toáng lên rồi nói tôi không ra gì. Tôi ức chế quá liền hỏi:
– Vậy hóa ra những lời xin lỗi của mẹ là giả?
– Tao làm gì phải xin lỗi mày? Mẹ chồng mà phải xin lỗi con dâu à?
– À, thế là con nghe nhầm.
…
Đó, nếu bà thật sự thấy những gì tôi từng làm là sai và có lỗi với người khác thì đó sẽ là lời xin lỗi không bao giờ rút lại.
Nhưng, đủ dũng cảm để nói ra rồi mà cũng thừa sự hiếu thắng, tự tự cao tự đại mà rút nó lại, phủ nhận nó hoàn toàn thì chắc chắn những lỗi lầm trong quá khứ và lỗi lầm ở hiện tại không thể nào tha thứ được.
Tất cả những đắng cay, tủi hổ, nhẫn nhịn, phẫn uất rồi phá đảo ấy không khi nào tôi có thể quên.
Tôi ghét sự hy sinh, hy sinh một cách mù quáng mà không biết nghĩ gì cho bản thân. Để rồi dù có hy sinh nhiều thêm nữa vẫn như muối bỏ bể, vẫn là chưa đủ. Hy sinh mấy năm tuổi trẻ, hy sinh cả niềm vui, hạnh phúc của bản thân vì nhà chồng thì dốt cuộc cái tôi nhận lấy cũng chẳng muốn nhớ làm gì.
Nhiều khi muốn quên đi những sân-si oán hận cho thanh thản nhưng thành thật mà nói, tất cả như những vết sẹo cứa sâu vào tim, theo thời gian có thể không còn giày vò đau đớn nhưng mỗi khi trái gió trở trời vẫn nhói lòng ghê gớm.
Theo Ngọc Anh/Người đưa tin