Ở Thừa Thiên Huế có một khu lăng mộ nổi tiếng với những ngôi mộ bạc tỷ; được nhiều người biết đến với cái tên, “thành phố lăng mộ” hay “nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam”.
Đó là những lăng mộ tại làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nếu du khách đến Huế và hỏi ‘thành phố lăng mộ” là gì, ở đâu thì có lẽ ai ai cũng biết.
Muốn đến khu nghĩa địa xa hoa ấy thì du khách thường đi theo tuyến đường từ thành phố Huế chạy dọc theo tuyến quốc lộ 49 về biển Thuận An, tiếp tục chạy dọc theo con đường ven biển chừng gần 30km là đến xã Vinh An (huyện Phú Vang).
Theo quan sát, “Thành phố lăng mộ” rộng có hàng ngàn ngôi mộ đủ kích cỡ, kiểu dáng. Các ngôi mộ được xây dựng theo nguyên mẫu của các lăng tẩm Huế, đặc biệt nhiều lăng mộ được xây theo hình ảnh lăng Khải Định với mức độ tinh xảo không hề thua kém. Các khu mộ được xây với đủ cả các phong cách Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, nhiều ngôi mộ được xây theo kiểu cách Tạng.
Những ngôi mộ không nằm tách biệt trên các sườn đồi hoặc xa khu dân cư mà là trải dài ra dọc biển và xen lẫn với những ngôi nhà của người sống.
Theo tìm hiểu, làng An Bằng hay còn có tên gọi khác là Hà Úc và vốn là một làng chài nghèo của xã Vinh An (huyện Phú Vang).
Cuộc sống của những ngư dân làng An Bằng chuyển sang một trang mới khi khoảng năm 1990 nhà nước cho phép những người Việt định cư ở nước ngoài gửi tiền về cho người thân trong nước. Nhiều người xuất thân từ làng An Bằng đang sinh sống ở nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) đã gửi tiền về cho người thân. Từ nguồn tiền ấy, dân chài làng An Bằng bắt đầu thay đổi cuộc sống bằng cách làm nhà, tậu xe sang…
Với việc cuộc sống đủ đầy và quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ” nên những ngư dân ở An Bằng bắt đầu đi kiến thiết lăng mộ với nguồn tiền chủ yếu từ nước ngoài gửi về. Từ đó, những lăng mộ có giá hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng thi nhau mọc lên như nấm trong khuôn viên nghĩa địa của làng.
“Những ngôi mộ hơn 1 tỷ đồng xuất hiện nhiều trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Như ngôi mộ của họ Trương ngay đầu nghĩa địa xây cách đây hơn 6 năm cũng đã xấp xỉ một tỷ đồng. So với thời giá bây giờ thì phải mất gần 2 tỷ mới xây được ngôi mộ như thế. Hiện tại, nhiều ngôi lặng mộ nơi đây nhỏ thì 8-10 nghìn USD, lớn thì 20-30 nghìn USD”- một người dân chia sẻ.
Cũng theo người dân, hiện tại chẳng thể đếm được trong nghĩa trang này có bao nhiêu ngôi mộ, thôn cũng như xã chẳng có được con số chính thức do lăng mộ nơi đây được xây dựng quá nhiều.
Người chết nuôi người sống?
Hiện “thành phố lăng mộ” có tổng diện tích khoảng 40ha, toạ lạc trên phần đất của 4 thôn: Bằng Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ với hàng ngàn lăng mộ nằm chen chúc nhau không một lối đi.
Tại khu lăng mộ này, biết bao công ăn việc làm đã được tạo ra cho người dân địa phương. Nhờ những ngôi lặng mộ này mà biết bao nghệ nhân, thợ nề, phụ nề có việc. Nhiều người có nghề chở cát, đá, gạch bằng xe trâu cũng nhờ việc này mà có công ăn việc làm ổn định hằng năm.
“Tôi đã ở đây và làm thợ nề 20 năm. Thường thì có người sẽ đứng ra làm chủ thầu với một đội khoảng 20 người, họ nhận một lúc 3,4 cái lăng và chia ra mỗi nhóm 6 người để làm. Một cái lăng sẽ được khoán cho nhóm thợ làm trong vòng 3- 5 tháng với mức tiền công khoán khoảng 200 -300 triệu đồng tùy thuộc vào quy mô mỗi lăng mộ…”, ông Trần Tĩnh chia sẻ.
Một dịch vụ đặc biệt nữa là việc thuê thắp nhang, bật điện ban đêm, quét dọn lăng mộ… cũng rất phát triển ở đây.
Theo tiết lộ của những người làm công, đối với những công việc đó mỗi tháng một người nhận được từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi tháng, lễ tết được thưởng thêm như những công việc khác.
Và một điều lạ nữa là ở An Bằng, bây giờ người ta không chỉ xây dựng lăng mộ cho người chết mà còn cho cả những người đang sống; với những chi tiết rất đẹp.
Có lẽ cũng chính kiến trúc đầy tinh tế và nghệ thuật của các ngôi mộ mà lăng mộ ở An Bằng rất được du khách nước ngoài quan tâm.
Bài, ảnh: Gia Huy