Chỉ cần “gúc” từ khóa “thiết bị theo dõi sức khỏe tại nhà”, “nhiệt kế điện tử”, “máy đo huyết áp”… là hàng triệu sản phẩm được bày sẵn để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Thế nhưng, việc mua sắm online các thiết bị này, nếu thiếu kiến thức y học, dễ khiến người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Ma trận” thiết bị y tế tại gia
Cuộc sống càng hiện đại, đầy đủ thì con người càng có xu hướng dành cho bản thân và gia đình nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe tại nhà. Có cung ắt có cầu, trên thị trường cả chợ thiết bị y tế truyền thống lẫn chợ mạng lập tức sẵn sàng đáp ứng từ A đến Z nhu cầu của người tiêu dùng, với đầy đủ mẫu mã, đa dạng chủng loại các trang thiết bị theo dõi sức khỏe tại nhà như: Nhiệt kế điện tử, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, máy xông mũi họng…
Ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp Luật khi thử gõ cụm từ “nhiệt kế điện tử”,lập tức hàng loạt kết quả về sản phẩm này được trả về với giá bán dao động từ 400 nghìn đồng đến gần 2 triệu đồng/sản phẩm. Tương tự, đối với máy đo huyết áp cũng được rao bán trên thị trường với nhiều chủng loại khác nhau và giá thành từ vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu đồng. Về xuất xứ, người đăng bán cho biết sản phẩm được nhập từ các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Nhưng thực tế thì nhiều người tiêu dùng chỉ mua để có cái sử dụng chứ không quan tâm nhiều đến chất lượng hay nguồn gốc xuất xứ của chúng.
Bà Nguyễn Hiền (60 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị cao huyết áp, con cái đi làm xa nên ở nhà chỉ có giúp việc. Vì vậy, để yên tâm, các con tôi mua cho tôi một chiếc máy đo huyết áp tại nhà.Tôi có hỏi giá của chiếc máy đo này nhưng các con không nói, chỉ biết từ ngày có máy đo thì các con cũng đỡ lo hơn. Còn việc máy có được bảo hành hay không thì tôi không nắm được”.
Chị Hồng Nguyệt (Cổ Nhuế, Hà Nội) có hai con nhỏ nên việc theo dõi sức khỏe của con luôn là ưu tiên số 1. Chị cho biết trước đây chị dùng nhiệt kế thông thường có giá khoảng 20.000 đồng/chiếc. Nhưng vì sợ vỡ sẽ có thủy ngân ảnh hưởng đến sức khỏe nên chị đã lên mạng và đặt mua nhiệt kế điện tử. “Lên mạng tìm mua thì thấy cũng có nhiều loại, nhưng tôi lựa chọn loại vừa phải phù hợp với túi tiền của gia đình. Còn nếu nói là có băn khoăn, nghi ngờ về chất lượng sản phẩm hay không thì tôi cũng không trả lời được. Bởi, thời buổi công nghệ 4.0 việc mua sắm chủ yếu qua online, cái chính là mình có được thiết bị theo dõi sức khỏe cho yên tâm”, chị Nguyệt nói.
Trong khi đó, anh Đinh Văn Thắng (Hà Nội) lại cẩn trọng hơn: “Gia đình tôi rất quan tâm đến sức khỏe của các thành viên. Tuy nhiên khi vợ tôi đặt vấn đề mua sắm thiết bị theo dõi sức khỏeoẻ tại nhà trên chợ mạng thì tôi lại đắn đo. Vì vậy, tôi có tham khảo ý kiến của những người bạn tôi là chuyên gia trong lĩnh vực y tế để có lời khuyên đúng đắn nhất. Theo tôi, người tiêu dùng cẩn thận lựa chọn các thiết bị có liên quan đến sức khỏe, nên tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn”.
Tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe
Trong vai một người tiêu dùng muốn chọn lựa mua nhiệt kế điện tử, PV dễ dàng được một nhân viên của trang bán hàng trên mạng nhiệt tình tư vấn: “Chị yên tâm, sản phẩm này bên em đang rất hot, nhiệt kế điện tử cầm tay chuyên dùng để đo nhiệt độ cơ thể, đo không cần tiếp xúc, dễ sử dụng chỉ cần đưa đến gần trán và bấm nút kết quả nhiệt độ cơ thể sẽ hiển thị ngay trên màn hình. Màn hình LCD hiển thị số có đèn nền, thuận tiện để đọc kết quả đo vào ban đêm… Mua bên em đảm bảo uy tín chất lượng”.
Giá thành của nhiệt kế điện tử được nhân viên này tư vấn là 1 triệu đồng. Trong khi đó, PV bày tỏ sự lo lắng về việc kết quả có thể sai lệch thì nhân viên này khẳng định chắc nịch khó có thể sai vì… đã bán nhiều rồi.
Giữa một thị trường rộng lớn trên không gian mạng, người mua và người bán không gặp nhau, tin tưởng nhau dựa trên những lời hứa…, điều này thật khó tránh khỏi sự rủi ro về chất lượng của sản phẩm. Trong khi, mức độ chính xác của thiết bị y tế có quan hệ mật thiết với chẩn đoán và điều trị bệnh tật cho con người.
Đem những lo ngại này trao đổi với chuyên gia về thiết bị y tế, PV Người Đưa Tin Pháp Luật được ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (bộ Y tế) -– thông tin: “Những mặt hàng thiết bị theo dõi sức khỏe tại nhà được bán tại các cửa hàng, cửa hiệu và các sàn thương mại điện tử, không phải mặt hàng đặc thù. Vì vậy, chúng tôi chỉ khuyến cáo: Thứ nhất, về mặt kiểm tra chất lượng phải theo Thông tư của bộ Khoa học và Công nghệ về các thiết bị. Thứ hai, về chất lượng, giá cả thì người dân phải là người tiêu dùng thông thái và thêm nữa, cần phải có kiểm định chất lượng để đánh giá”.
Ông Tuấn cũng cho rằng người mua hàng phải biết lựa chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, phải có hướng dẫn sử dụng. “Bởi, những thiết bị theo dõi sức khỏe tại nhà phụ thuộc vào hướng dẫn sử dụng làm sao đúng. Mua phải thiết bị không chuẩn có thể không ảnh hưởng ngay đến người bệnh nhưng từ sự phản ánh sai lệch chỉ số (ví dụ đo nhiệt độ sai, đo huyết áp sai) sẽ dẫn đến những chỉ định uống thuốc sai lệch, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài”.
Từ đó, ông Tuấn đưa ra lời khuyên: “Người tiêu dùng cần mua những sản phẩm có chất lượng tốt được các cơ quan quản lý khuyến cáo, phải có tem kiểm định, có nguồn gốc xuất xứ ro ràng, có bảo hành và hướng dẫn sử dụng đầy đủ”.
Thiết bị y tế giả, kém chất lượng tràn lan Từ ngày 31/1 đến ngày 9/4/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 7.847 vụ vi phạm kinh doanh thiết bị y tế, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 3,264 tỷ đồng. Các sản phẩm bị làm giả, làm kém chất lượng bao gồm: Khẩu trang y tế, thuốc men, dụng cụ y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe… |