Mưa lũ tại miền Trung đã khiến 117 người chết, 21 người mất tích, 37.524 nhà bị hư hỏng và thiệt hại do ngập lụt.
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tổng số thiệt hại về người từ 06/10-22/10 là 138 người, trong đó:
Người chết là 117 người (tăng 03 người: 02 người tại Hà Tĩnh, 01 người Quảng Bình), cụ thể: Nghệ An 02; Hà Tĩnh 06; Quảng Bình 11; Quảng Trị 50; Thừa Thiên – Huế 28, Đà Nẵng 03, Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 01, Kon Tum 02, Gia Lai 01, Đắk Lắk 01, Lâm Đồng 01).
Người mất tích là 21 người, gồm: Quảng Trị 4; Thừa Thiên Huế: 15 người (tại Rào Trăng 3), Đà Nẵng 01, Gia Lai 01.
Trong đó, sạt lở đất: 60 người; lũ: 65 người; tai nạn trên biển: 8 người; nguyên nhân khác: 5 người.
Về nhà ở có 37.524 nhà bị hư hỏng và thiệt hại do ngập lụt, trong đó: Nghệ An 49 nhà, Quảng Bình 21.902 nhà; Quảng Trị 175 nhà; Thừa Thiên Huế 72 nhà.
Về nông nghiệp đến hiện tại vẫn còn 533 ha lúa bị ngập; 3.886 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.152 con gia súc740.796 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Cùng với đó, các tuyến đường còn sạt lở ách tắc gồm đường Hồ Chí Minh có tổng số 21 điểm (Quảng Bình 2 điểm, Quảng Trị 7 điểm, T.T.Huế 12 điểm); Quốc lộ 12C (xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa); Quốc lộ 12A (Khe ve-Cha lo); Quốc lộ 9B, 9C, 9E (Quảng Bình).
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo TWPCTT; Công điện số 29/CĐ-TWPCTT và 30/CĐ -TWPCTT của Ban Chỉ đạo TWPCTT; thông báo số 368/TB-VPCP ngày 21/10/2020, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
Rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tại các khu tránh trú bão; rà soát không để người trên các phương tiện khi bão đổ bộ; Quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi tùy vào diễn biến của bão, các địa phương quyết định việc cấm biển.
Chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, sản xuất nuôi trồng thủy hải sản; nhất là an toàn về người trên các lồng bè, tròi canh nuôi trồng thủy hải sản;
Bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, có biện pháp để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ với các tàu đang bị sự cố: có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường (tàu sự cố mắc cạn tại cửa biển Lăng Cô, Huế) và xử lý tàu tai nạn trên biển.
rà soát chuẩn bị sẵn sàng di dân đảm bảo an toàn cho khu vực ven biển, vùng trũng thấp và nhà yếu; chằng chống nhà cửa, cây lớn có nguy cơ gẫy đổ; chặt tỉa cành cây.
Kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều nhất là các công trình xung yếu, đang thi công; khu vực sạt lở; quản lý an toàn giao thông nhất là khi bão vào, tránh thiệt hại về người và tài sản.
Các địa phương kiểm tra có phương án để đảm bảo an toàn cho các hộ dân tại vùng còn đang ở khu vực ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đặc biệt tại các huyện còn ngập của tỉnh Quảng Bình./.