Khi tình yêu tàn, không ít cặp vợ chồng quay ra trả đũa nhau và đứa con vô tình trở thành một công cụ của họ.
Câu chuyện bắt đầu với một cuộc điện thoại, có giọng gấp gáp gọi đến trung tâm tư vấn. Người gọi là một bé trai khoảng 8 tuổi (Hà Nội). Cậu bé nhờ nhân viên tư vấn giúp mình cách để có thể xuống gặp bố. Qua lời cậu nói, nữ nhân viên tư vấn hình dung ra hoàn cảnh cậu bé rất khó xử.
Cậu đang ở trên tầng 4 của một ngôi nhà. Phía dưới mặt đất, bố cậu đang vẫy tay với con. Trong nhà, mẹ cậu bé đang nấu ăn, chuẩn bị cho bữa cơm tối.
Cậu rất muốn xuống để gặp bố nhưng lại sợ mẹ ngăn cản. Vì vậy không còn cách nào khác, cậu đành gọi đến tổng đài tư vấn. Nhân viên tư vấn tâm lý đề nghị cậu đưa điện thoại cho mẹ để họ chia sẻ, thuyết phục nhưng người phụ nữ này nhất định từ chối gặp.
Đó là tình cảnh xót xa trong một gia đình sau khi bố mẹ ly hôn mà Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ.
Chuyên gia này cũng chia sẻ một câu chuyện khác mà ông biết về một đứa trẻ 4 tuổi (ở Thụy Điển) có bố mẹ ly hôn.
Câu chuyện diễn ra trong một bữa tiệc sinh nhật của cậu bé. “Tiệc của cậu lại vui hơn những đứa trẻ có gia đình bình thường khác. Theo đó, từ 2 bố mẹ nay cậu có tận 4 người bố, mẹ; từ 4 ông, bà nội, ngoại ban đầu giờ cậu có thêm các ông, bà khác bởi bố mẹ cậu bé sau khi ly hôn đã lập gia đình mới”, ông Hòa nói.
Thay vì ngăn cản, tranh giành con, cặp vợ chồng này đã thỏa thuận một cách êm đẹp việc nuôi dạy và chăm sóc con. Vào ngày sinh nhật cậu bé, 4 ông bố, bà mẹ gặp mặt trong sự vui vẻ, lịch thiệp. Họ tặng quà, chúc mừng khiến cậu bé cảm giác mình là người hạnh phúc nhất. Hết bữa tiệc, họ còn tiễn nhau ra xe ô tô, bắt tay như những người bạn bè lâu năm.
Theo chuyên gia, nhiều năm tư vấn cho các cặp đôi hậu ly hôn, ông từng chứng kiến những người mẹ, người cha, mang nhiều hận thù với chồng/vợ cũ vì vậy tìm mọi cách ngăn cản đối phương thăm nuôi con chung.
Theo ông Hòa, đó chỉ là một trong rất nhiều cách hành xử kém văn minh của người lớn sau đổ vỡ.
Vì những mâu thuẫn trong thời gian chung sống, họ quay ra hận thù, muốn trả đũa nhau.
Cách phổ biến nhất là nói xấu, tung hê các chuyện không tốt về đối phương với họ hàng, bạn bè và mạng xã hội. Gần đây nhất là vụ ly hôn của nữ giảng viên đại học và chồng là diễn viên/đạo diễn.
Họ yêu nhau đầy sự lãng mạn tưởng như có thể chết vì nhau. Nhưng khi tình tàn, họ quay ra đối xử với nhau tệ hơn cả người dưng nước lã.
Câu chuyện của họ trở thành “miếng mồi” của mạng xã hội, cho kẻ cười người chê.
“Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam ngày càng cao. Không chung sống, chúng ta vẫn có thể là bạn bè, đối xử lịch sự văn hóa với nhau. Việc đưa nhau lên mạng để “đấu tố” là hành vi thiếu văn hóa”, ông nhấn mạnh.
“Mục đích của họ là thỏa mãn cơn giận của mình, muốn vạch trần cái xấu của đối phương, làm cho người đó không ngóc đầu lên được, sau khi ly hôn khó có hạnh phúc mới.
Yêu nhau lắm cắn nhau đau. Người yêu nhau, từng chung sống “đầu kề má ấp” bao năm sẽ là người biết “cái huyệt”, điểm yếu của người kia.
Những điều này người ngoài không thể nắm rõ bằng. Vì vậy khi họ quay ra hại nhau, sẽ tạo nên những đau đớn, tổn thương vô cùng lớn”, ông nói thêm.
Nhưng chuyên gia cũng khẳng định, làm như vậy, người chịu hậu quả trước tiên vẫn là bản thân mình, sau đó mới là đối phương.
Họ sẽ đánh mất danh dự của bản thân, tự tay đóng những cánh cửa hạnh phúc của mình trong tương lai.
Ngoài ra, một cách trả đũa thiếu nhân văn của các cặp đôi sau hậu ly hôn là ngăn cản quyền thăm con của chồng/vợ cũ.
Ông Trịnh Trung Hòa cũng từng tư vấn cho một trường hợp người chồng vô cùng buồn khi bị vợ cũ cấm cản việc thăm con. Mỗi lần muốn gặp con, anh này phải mời tổ trưởng tổ dân phố, an ninh… thuyết phục vợ cũ rất nhiều mới được gặp cháu một lát.
Nhưng lần sau, người vợ lại tiếp tục từ chối quyền thăm con của chồng cũ. Chị này biết chồng cũ thương con nên làm vậy để anh ta đau khổ.
Ông Hòa nói: “Người mẹ có thể thỏa mãn cơn giận, sự ích kỷ của bản thân nhưng lại khiến đứa trẻ thiệt thòi, thiếu đi tình thương của bố và bên nội.
Nó cũng có thể là một vết thương lòng ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ. Có thể sau này, đứa bé lớn lên, lập gia đình và không may rơi vào tình cảnh ly hôn. Thay vì mở lòng đón cuộc sống mới, cháu lại lặp lại tình trạng của mẹ – căm hận, trả thù”.
Theo chuyên gia, văn hóa ly hôn tại Việt Nam chưa được xây dựng một cách văn minh. Ở các thế hệ trước, việc ly hôn rất hiếm và khó khăn bởi dư luận xã hội kỳ thị các cặp gia đình đưa nhau ra tòa. Nhiều ông bố bà mẹ vì sợ điều tiếng, hàng chục năm chịu đựng và nhất định không ly hôn.
Nhưng ngày nay, thế hệ trẻ đã cởi mở hơn trong vấn đề này. Ly hôn giờ không còn quá nặng nề vì vậy tỷ lệ các cặp vợ chồng chấm dứt hôn nhân càng tăng nhanh.< /p>
“Vấn đề này đồng nghĩa với việc càng về sau, các thế hệ trẻ sẽ dần xây dựng được văn hóa hậu ly hôn. Họ sẽ biết cách cư xử, ứng xử với ly hôn văn minh hơn”, ông nói.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, văn hóa ly hôn phải được thế hệ trẻ tìm hiểu, học hỏi ngay khi còn trẻ. Trước khi kết hôn, bạn trẻ cần được tư vấn, chuẩn bị kỹ càng các vấn đề về hôn nhân và hậu hôn nhân.
“Ai kết hôn cũng mong cuộc sống hòa hợp đến lúc bạc đầu. Ly hôn là chuyện bất đắc dĩ, cả hai đều phải chịu đau khổ, thiệt thòi nhưng hãy học cách cư xử lịch thiệp, tôn trọng đối phương.
Có thế các bậc làm cha, làm mẹ mới tránh cho các con những tổn thương sâu sắc”, chuyên gia Trịnh Trung Hòa khẳng định