Lễ cúng ông Công ông Táo phải diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng.
Người Việt Nam quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại.
Theo quan niệm dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp chính là thời điểm ông Công, ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này, nếu không, sẽ không kịp giờ để các thần lên thiên đình. Nếu để chiều hay thậm chí là tối ngày 23 mới cáo lễ tiễn đưa ông Công ông Táo về Trời, sợ rằng ông Công ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.
Tuy nhiên, theo thầy Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, giờ đây nhiều gia đình ai cũng phải đi làm, không thể nghỉ ở nhà để chuẩn bị lễ vào trước giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì thế, chúng ta vẫn có thể cúng sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, thậm chí, có thể cúng vào chiều, tối cũng không sao, cần thành tâm. Nhưng trong ngày 23 tháng Chạp, giờ Ngọ (tức từ 11h tới 13h) là giờ tối linh thiêng, thích hợp nhất để cúng ông Công, ông Táo.
Tùy theo từng gia cảnh, bên cạnh vàng mã, mũ mão, cá chép phóng sinh, còn có thể làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để cúng Táo Công.
Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Trúc Chi t/h