Từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, xử lý gần 65.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 215 tỷ đồng; ước giá trị hàng tịch thu chưa bán trên 250 tỷ đồng. Riêng tháng 9 vừa qua, phát hiện, xử lý đến 6.737 vụ vi phạm.
9 tháng qua, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020; kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020, lực lượng QLTTđã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.
Riêng tháng 8 và tháng 9, lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc, trong đó có một số vụ việc điển hình như: phát hiện 1.325 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo tại Lạng Sơn; phát hiện 2.243 sản phẩm mỹ phẩm không ghi tên, địa chỉ, tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa tại Long An; phát hiện 24 tấn nội tạng lợn bị nhiễm vi khuẩn dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế tại Bình Dương… Đặc biệt, phát hiện và ngăn chặn trên 3 tạ bao cao su đã qua sử dụng được tái chế.
Trong tháng 9, lực lượng QLTT kiểm tra trên 9.660 vụ; phát hiện, xử lý là 6.737 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước là trên 9.35 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là vào dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Do đó, lực lượng QLTT cả nước sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử lớn, xây dựng các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây thiệt hại lợi ích người tiêu dùng.