Đối tượng Trần Văn Khang (SN 1979, trú xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) khai nhận, đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bánh pháo (mỗi bánh dài 15m) của một người lạ mặt rồi chuyển về nơi tổ chức đám cưới để đốt.
Đối tượng bước đầu khai nhận
Sáng 5/4, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, sau khi bị tạm giữ hình sự, đối tượng Trần Văn Khang (SN 1979, trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) bước đầu đã khai nhận về vụ việc.
Theo đó, Khang khai nhận đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bánh pháo, mỗi bánh dài 15m, với tổng số tiền hơn 4 triệu đồng. Số pháo sau đó được người bán chuyển về xã Phù Lỗ, để Khang rải ra đường và treo dọc theo rạp cưới. Trước khi đón dâu, Khang sẽ đốt.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Khang (SN 1979; trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Được biết, Khang là khách mời đám cưới, làm cùng công ty với bố chú rể.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Sóc Sơn tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Khởi tố “Gây rối trật tự công cộng” có chính xác?
Liên quan đến việc cơ quan công an khởi tố về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sưu TP. Hà Nội) cho biết, trong trường hợp trên cơ quan công an có đủ căn cứ để khởi tố theo tội danh nêu trên.
Theo đó, nếu hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật thì có thể xem xét xử lý hình sự theo Điều 318 Bộ Luật hình sự 2015 về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Về mức xử phạt theo đó quy định:
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đống – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức; b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm”.
Như vậy, đối với người đốt pháo nơi công cộng thì sẽ bị xem xét xử lý hành chính về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” nếu mức độ nghiêm trọng thì sẽ xử lý Hình sự.