Sau phản ánh của bạn đọc về tình trạng thị trường đồng hồ fake đang có dấu hiệu “lên ngôi”, phóng viên Đời sống & Pháp luật đã thực tế tại nhiều cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng để sớm kiểm tra, xử lý các sai phạm.
Như đã thông tin ở kỳ trước, rất nhiều sản phẩm đồng hồ gắn mác thương hiệu siêu sang… hiện đang được bày bán tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội có mức giá thấp hơn nhiều so với giá chính hãng.
Khảo sát thực tế tại hàng loạt các cửa hàng như Milolex (địa chỉ: 80 Đông Các); Cửa hàng hiệu 86 (địa chỉ: 72 Nguyễn Trãi); Đồng hồ đẹp 6666 (địa chỉ: 201 Nguyễn Trãi); Pháo Đồng hồ (địa chỉ: 35 ngõ 171 Nguyễn Ngọc Vũ); T-Swatch (địa chỉ: 4/189 Nguyễn Ngọc Vũ); Turbo watch (địa chỉ: 291 Nguyễn Ngọc Vũ); Nam Nguyễn – Luxury Vip (địa chỉ: 15A Mai Hắc Đế); Đồng hồ trẻ 88 (địa chỉ: 405 Bạch Mai); Phan gia Luxury (địa chỉ: 399 Ngọc Lâm); Đồng hồ Phố (địa chỉ: 288 đường Láng)… cho thấy, các cửa hàng này phần lớn bán hàng có giá thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng. Đồng thời, các cơ sở này đều thừa nhận là “hàng fake” và không thể xuất được hoá đơn giá trị gia tăng (VAT) khi khách hàng yêu cầu.
Để làm rõ vấn đề cũng như thông tin đa chiều tới độc giả, sau khảo sát sơ bộ, phóng viên Đời sống & Pháp luật đã liên hệ, đặt lịch làm việc với các cửa hàng ở trên. Tuy nhiên chỉ một ngày sau khi liên hệ, nhiều cửa hàng trong số này bất ngờ… tạm đóng cửa.
Tương tự, tại 83 Luxery (ngõ 41 phố Đông Tác), tình hình kinh doanh của cửa hàng cũng trở nên khá im ắng.
Tiếp đó, phóng viên cũng đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng, cụ thể là Đội Cảnh sát Kinh tế Công an các quận trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đại diện công an của các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa cho biết đã tiếp nhận thông tin của Đời sống & Pháp luật và sẽ phối hợp cùng với Đội Quản lý thị trường trên địa bàn để kiểm tra, rà soát và xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Liên quan vấn đề này, Luật sư Việt Vương – Công ty luật AMI cho biết, trường hợp nếu các cơ quan có thẩm quyền xác minh được các sản phẩm đồng hồ được kinh doanh tại các cửa hiệu là hàng giả thì tuỳ theo mức độ hành vi, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, dấu hiệu không xuất hoá đơn đỏ trong quá trình hoạt động kinh doanh của các cửa hàng trên còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Tại khoản 4 điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung theo Thông tư 176/2016/TT-BTC.
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, các cơ sở kinh doanh có hành vi trốn thuế còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với số tiền phạt có thể lên đến 10.000.000.000 đồng, đồng thời, có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội. Cần phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả sau khi các cơ quan chức năng liên quan phản hồi về vụ việc.