3 lãnh đạo Tổng Công ty Bình Dương bị bắt sau nhiều tháng công an khởi tố để điều tra vì các sai phạm liên quan đến 43 ha đất vàng.
Trưa 8/4, Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bình Dương hay còn gọi là Bình Dương Protrade Corp, doanh nghiệp trực thuộc quản lý của Tỉnh ủy Bình Dương), ông Trần Nguyên Vũ (Giám đốc Bình Dương Protrade Corp) và ông Huỳnh Thanh Hải (thành viên HĐQT) do có những sai phạm xảy ra tại Bình Dương Protrade Corp.
43 ha “đất vàng”
Theo kết quả điều tra, vào năm 2010, Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty CP Bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh có tên gọi là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú với mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43 ha thuộc Tổng Công ty Bình Dương.
Theo đó, Tổng Công ty Bình Dương góp 60 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ và Công ty CP bất động sản Âu Lạc góp 140 tỉ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ. Đến năm 2016, Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất nêu trên cho Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú với giá hơn 250 tỉ đồng, tương đương 581.653 đồng/m2.
Trong khi căn cứ theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương (ban hành quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn) thì bảng giá đất ở đô thị tại dự án KĐT Tân Phú mức giá chuẩn là: Tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2; vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2; vị trí 3 là 5,64 triệu đồng/m2.
Theo quy hoạch 1/500, vị trí 1 của dự án sẽ chiếm khoảng 100.000 m2 đất ở và nếu được áp giá theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương thì trị giá của nó đã là khoảng 2.457 tỷ đồng. Với diện tích đất ở còn lại được nhân với giá trung bình của vị trí 2 và 3 là 6,67 triệu đồng/m2 thì trị giá khoảng 667 tỷ đồng.
Như vậy, trị giá đất KĐT Tân Phú sẽ là khoảng 3.124 tỷ đồng, cao gấp gần 12,5 lần so với giá Tổng Công ty Bình Dương đã bán cho Công ty Tân Phú. Trong khi đó, bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương được áp dụng cho 43ha thì trị giá đất sẽ khoảng 6.200 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, nếu áp dụng bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương ban hành cho diện tích đất ở theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt thì vào thời điểm cuối năm 2016 ít nhất đã có khoảng 2.874 tỷ đồng bị thất thoát và nếu áp dụng cho cả 43ha thì con số thất thoát có thể lên đến 5.950 tỷ đồng.
Tại thời điểm chuyển nhượng, Tổng Công ty Bình Dương vẫn là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Do đó, khu đất 43 là tài sản của Nhà nước thuộc quyền định đoạt của Tỉnh ủy Bình Dương.
Dự án Khu đô thị – Thương mại – Dịch vụ Tân Phú nằm ở vị trí “đất vàng”, trên mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Kiệt là tuyến đường đẹp bậc nhất, dẫn vào trung tâm thành phố mới Bình Dương, thuộc phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Dự án được chính thức khởi công động thổ vào ngày 28/1/2018. Dự án quy mô với 1.210 sản phẩm đất nền và nhà phố liền kề, biệt thự đơn lập và song lập. Tổng mức vốn đầu tư dự án lên đến 1.500 tỷ đồng.
Trước khi trở thành “đất vàng” thì trước đây chỉ sình lầy, khu hoang hóa. Khi có chủ trương đầu tư và lập thành phố mới thì khu này được cải tạo như hiện nay.
Cuối năm 2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã hai lần tổ chức họp báo thông tin về những sai phạm trong việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú để thực hiện dự án 43 ha KĐT Tân Phú.
Liên quan đến vụ việc, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết đã nắm thông tin vụ việc và sẽ tổ chức họp báo. Về nhân sự hai công ty có lãnh đạo bị bắt đều có vốn chi phối của Tỉnh ủy Bình Dương, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết sẽ tính toán nhân sự kịp thời để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.