Nhìn từ sự việc của Phạm Lịch, mẫu nude Kim Phượng, nhiều người không khỏi hoang mang khi hai cô gái dám dũng cảm đứng lên tố cáo tội ác lại bị dư luận đả kích và tẩy chay.
Kim Phượng (trái) và Phạm Lịch.
Những sự việc liên tiếp xảy ra như vụ việc nam ca sĩ Phạm Anh Khoa bị tố cáo quấy rối tình dục phải công khai xin lỗi, “yêu râu xanh” hơn 70 tuổi ấu dâm gây phẫn nộ dư luận hay như mới nhất là một họa sĩ nổi tiếng bị người mẫu khỏa thân tố hiếp dâm đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những hành vi quấy rối, xâm hại tình dục trong xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, có mấy nạn nhân dám đứng lên tố cáo, chỉ đích danh những hành vi xấu xa này? Những nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục thường rất sợ hãi nhưng không dám lên tiếng vì sợ phải nhận những dè bỉu, khinh miệt từ dư luận.
Chúng ta không có quyền phán xét về những nạn nhân từng bị xâm hại, họ im lặng hay lên tiếng đều đáng được tôn trọng. Nhưng đối với những cô gái dũng cảm như Phạm Lịch, Nga My, Kim Phượng, những người dám đứng lên tố cáo lại phải chịu những lời chỉ trích, thậm chí có ý kiến cho rằng họ đang cố tình đánh bóng tên tuổi. Chịu đau đớn nói ra những sự thật trần trụi lại khiến họ phải đối mặt với quá nhiều thị phi và cả những làn sóng tẩy chay có quá bất công?
Sau sự việc ồn ào với Phạm Anh Khoa, Phạm Lịch thừa nhận cô phải sống trong tình trạng mệt mỏi. “Mỗi ngày mở tin nhắn ra đọc, tôi chỉ ước được người ta kêu show hay động viên, khen ngợi để có động lực làm việc tiếp.
Ấy vậy mà chỉ toàn thấy những thanh niên dùng nick ảo để vào chửi bới tôi, có người còn mong tôi biến mất khỏi cuộc sống này. Rõ ràng, mọi chuyện đã kết thúc nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều người vào chửi tôi nhiệt tình đến thế” – Phạm Lịch chia sẻ. Từng có ý định mở lớp dạy nhảy nhưng Phạm Lịch chưa thể thực hiện được vì lo sợ các học viên sẽ bị làm phiền.
Đối với người mẫu khỏa thân Kim Phượng, tình hình cũng không “khá khẩm” hơn. Mới đây, chia sẻ trên báo chí, Kim Phượng cho biết cô đã thất nghiệp kể từ khi mọi chuyện trở nên ồn ào, thậm chí còn phải nhận sự hỗ trợ từ mẹ và em gái ở quê để duy trì cuộc sống.
“Bình thường đang chạy show, giờ đùng cái chuyện này um lên, tất cả show hẹn lịch sẵn cũng im lặng không nói gì. Tự nhiên tôi bị mất việc, kinh tế rất khó khăn” – Kim Phượng bày tỏ.
Từ bao giờ, xã hội lại coi nhẹ những hành vi xấu xa đến như vậy? Có thể chính từ sự “bất công” này lại tiếp tay “nuôi dưỡng” những hành vi suy đồi về đạo đức.
Đã đến lúc dư luận nên “tỉnh táo” và bớt phán xét thay vì chỉ trích, quy chụp các cô gái bị quấy rối là dễ dãi hay “làm thế nào mới bị như thế”… Khi pháp luật chưa thể quy định rõ những hành vi quấy rối tình dục và xã hội chưa thể nhận thức được về những ảnh hưởng khủng khiếp cả về tâm lý và thể xác của các nạn nhân phải chịu thì nạn xâm hại, quấy rối tình dục sẽ chưa thể được đẩy lùi.
Theo Nguyên Linh/LĐO