Có vô vàn bài học xuất hiện trong cuộc sống chúng ta mỗi ngày vô cùng bình dị nhưng không phải ai cũng nhận ra. thay vì nói nhiều hãy học cách lắng nghe, thay vì cố gắng thể hiện bạn hãy quan sát.
Câu chuyện thứ nhất: Người gánh nước và cái bình nứt
Ở một ngôi làng nọ, có một người đi gánh nước thuê bằng hai chiếc bình lớn, mỗi chiếc bình được treo ở mỗi đầu của chiếc gậy mà ông gánh trên cổ. Một trong hai chiếc bình đã bị nứt một vết, chiếc còn lại thì hoàn hảo không sứt mẻ gì và luôn đựng được đầy nước sau mỗi chuyến đi bộ dài lấy nước từ suối về đến nhà của người chủ. Chiếc bình nứt khi về đến lại chỉ còn một nửa bình nước.
Trong suốt hai năm qua, điều này vẫn lặp đi lặp lại mỗi ngày, người mang nước mỗi lần chỉ mang được một bình rưỡi nước về cho chủ nhân của ngôi nhà. Tất nhiên, chiếc bình hoàn hảo rất tự hào vì sự thể hiện của mình, hoàn hảo từ hình dáng cho đến sứ mệnh đựng đầy nước của nó. Chiếc bình nứt còn lại cảm thấy thật hổ thẹn vì sự không hoàn hảo của bản thân, nó đau khổ khi nghĩ rằng nó chỉ thực hiện được một nửa những gì nó phải làm. Sau hai năm, những gì nó nhận thức được chỉ là sự thất bại của bản thân. Một hôm, khi đang lấy nước từ dòng suối, bình nứt liền nói với người gánh nước:
“Tôi cảm thấy xấu hổ vì bản thân mình, và tôi cũng muốn xin lỗi ông rất nhiều”.
“Vì sao vậy, sao ngươi phải cảm thấy xấu hổ?” – Người gánh nước hỏi lại.
Chiếc bình liền trả lời: “Trong hai năm qua, tôi chỉ có thể mang được một nửa lượng nước ông lấy từ suối về bởi vết nứt trên thân tôi đã khiến cho nước bị rò rỉ trên đường khi ông gánh đến nhà người chủ. Bởi vì sự không hoàn hảo của tôi, ông đã không nhận được thù lao xứng đáng với những cố gắng nỗ lực ông đã bỏ ra”.
Người gánh nước cảm thấy rất buồn và tiếc thay cho chiếc bình nứt cũ này, động lòng trắc ẩn, ông đã nói: “Đợi lát nữa trên đường trở về nhà của chủ nhân, ta muốn ngươi hãy để ý đến những bông hoa xinh đẹp bên đường”. Khi người gánh nước gánh hai chiếc bình lên đến đồi, chiếc bình nứt đã nhận thấy rằng ánh mặt trời ấm áp đang chiếu lên những bông hoa dại xinh đẹp ở phía bên của con đường, chính sự xinh đẹp của cuộc sống này đã giúp nó phấn khởi lên một chút. Nhưng đến cuối đường mòn, nó lại cảm thấy thật tồi tệ vì nó đã bị rò rỉ ra một nửa lượng nước, vì vậy một lần nữa nó xin lỗi người gánh nước vì sự thất bại của mình.
Người gánh nước liền nói với nó: “Ngươi có nhận thấy rằng hoa chỉ mọc ở bên đường của ngươi chứ không phải ở phía bên kia của chiếc bình hoàn hảo? Đó là bởi vì ta luôn biết về vết nứt của ngươi, và ta đã tận dụng nó. Ta trồng hạt giống hoa ở bên cạnh con đường phía ngươi, và mỗi ngày trong khi chúng ta đi bộ trở lại từ dòng suối, ngươi đã tưới nước cho những hạt mầm đó đâm nụ nở hoa. Trong hai năm qua, ta đã có thể chọn những bông hoa tuyệt đẹp này để trang trí lên bàn của nhà ông chủ. Hãy cứ là chính mình, hãy sống theo những gì mà ngươi đang có, bởi nếu không có ngươi, ta sẽ không thể mang sự xinh đẹp này đến cho người khác”.
Ảnh minh họa
Bài học cuộc sống thứ nhất:
Mỗi người trong chúng ta đều có những sự không hoàn hảo, thiếu sót của bản thân. Chúng ta đều là những cái bình nứt. Trên thế giới này, không có gì là lãng phí cả. Bạn có thể nghĩ rằng mình giống như cái bình bị nứt, làm việc không hiệu quả hoặc vô ích ở những phạm vi nhất định trong cuộc sống của bạn, nhưng bằng cách này hoặc cách khác, những sai sót này của bạn có thể mang đến những điều tốt đẹp nhưng rất khó để nhận ra cho người khác. Đừng bao giờ coi nhẹ bản thân khi bạn không bằng người khác. Trong cuộc sống, người giỏi hơn bạn có vô vàn, nhưng người kém hơn bạn cũng chẳng phải ít. Một điều bạn cần nhớ chính là bạn là duy nhất trên thế giới này. Vì vậy, hãy luôn tự hào và sống đúng như những gì bạn có. Hãy luôn là chính mình và mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho mọi người!
Câu chuyện thứ 2: Vị Vua giết trâu bò lấy da trải đường vì thương dân
Thời xưa, khi con người chưa phát minh ra giày dép, có vị vua đi vi hành đến vùng đất xa xôi có con đường gồ ghề, bàn chân ngài đau đớn vì bị những mảnh đá nhỏ chọc vào chân. Ngài nghĩ rằng không chỉ ta mà người dân của ta đang ngày ngày phải chịu cảnh này, vì thế, khi về tới Hoàng cung đã ra lệnh phủ da trâu, bò lên tất cả con đường trong vương quốc.
Vị vua tin tưởng rằng đó là cách để ông tạo phước vì thần dân của mình từ nay đi đường không còn phải chịu nỗi đau bị đá đâm vào chân nữa.
Thế nhưng không biết bao nhiêu trâu bị giết hại rồi cũng không đủ để lấy da trải khắp các con đường to nhỏ lớn bé trong vương quốc. Vừa tiền vừa công sức bỏ ra quá nhiều nhưng kết quả không được là bao, người dân dù biết đó là việc vô lý nhưng lệnh vua đã ban nên vẫn phải làm theo, không dám cãi nửa lời.
Trong lúc đó, một người đầy tớ thông minh khi chứng kiến cảnh quá nhiều trâu bò bị giết hại nên mạnh dạn đưa ra đề nghị với nhà vua: “Quốc Vương, tại sao người lại điều động binh lực, hy sinh nhiều trâu bò và vàng bạc đến như vậy chứ? Tại sao ngài không dùng miếng da nhỏ bọc vào chân ngài chứ?”.
Quốc Vương nghe vậy rất ngạc nhiên những cũng hiểu ra vấn đề, và ngài ra lệnh áp dụng ý kiến của người đầy tớ.
Ảnh minh họa
Bài học cuộc sống số 2:
Trong cuộc sống này đừng vội cười nhạo vị Vua ấy khi bạn chưa nhận ra rằng hầu hết chúng ta cũng có vị Vua đó trong người mình. Chúng ta chỉ cố gắng muốn thay đổi người này, người kia theo ý mình bằng một niềm tin mù quáng.
Có phải bạn hay đổ cho hoàn cảnh, vì nhà mình không giàu, vì bố mẹ mình không quyền cao chức trọng, vì đất nước này nghèo nàn, vì chính trị của chúng tôi không yên ổn, vì nước tôi lắm quan tham.
… nên tôi không thể thế này, thế khác.
Hãy thôi đổ lỗi và biện minh cho sự yếu kém của mình đi. Khi nào bạn còn phụ thuộc vào hoàn cảnh thì bạn sẽ càng rời xa thực tế mà thôi, ngày bạn thành công cũng sẽ còn xa lắm. Nên nhớ việc duy nhất bạn có thể làm đó là thay đổi chính mình mà thôi. Vậy đấy, thay vì ta cứ hao tâm tổn sức để đi thay đổi một điều mình không thể chi bằng hãy thay đổi những điều có thể.
Nhiều người tự thấy mình khổ quá nên tìm cách để chuyển nghiệp. Nhưng thực ra, chẳng cần phải làm lễ này lễ kia to tát làm gì, việc họ cần làm trước nhất là thay đổi hành vi của mình mỗi ngày. Không phải ai đó tự nhiên đối tốt với bạn. Nếu bạn không thân thiện, cởi mở thì họ chẳng để ý tới bạn nữa kia. Để nhận được nụ cười của ai đó bạn hãy chủ động mỉm cười trước.
Câu chuyện thứ 3: Niệm Phật có ích gì nếu không thành tâm
Có một gia đình hai vợ chồng trẻ, chồng say mê đọc sách còn vợ hướng Phật nên ngày nào cũng chuyên chú tụng kinh niệm Phật.
Một hôm, người chồng để ý thấy người vợ ngồi trong Phật đường không ngừng niệm: “Nam mô a di đà phật! Nam mô a di đà phật!”. Người vợ cứ chăm chú niệm câu này mãi, niệm đi niệm lại trong một khoảng thời gian rất lâu. Người chồng tinh nghịch muốn đùa vui vợ mình.
Anh này sang phòng bên cạnh chỗ vợ đang niệm Phật rồi gọi tên vợ. Người vợ nghe thấy tiếng chồng gọi mình liền ngừng niệm và quay đầu sang phía người chồng hỏi: “Có việc gì vậy?”
Người chồng cười cười rồi nói: “Không có gì, không có gì!”
Người vợ lại tiếp tục quay lại vừa gõ mõ vừa niệm. Một lát sau, người chồng lại gọi tên người vợ. Người vợ lại nhịn không được liền quay đầu ra hỏi chồng: “Rốt cuộc là anh có chuyện gì mà cứ gọi như vậy?”.
Người chồng lại cười cười rồi nói: “Không có gì, không có gì cả”.
Người vợ lại tiếp tục niệm Phật. Nhưng chẳng được bao lâu người chồng lại gọi tên người vợ. Người vợ lúc này có vẻ rất bực tức quay sang nói với người chồng:
“Anh rốt cuộc là có chuyện gì mà cứ gọi mãi như thế?
Anh cứ gọi như thế khiến em không thể tập trung tụng kinh niệm Phật được”.
Người chồng lúc này mới đứng lên đi đến bên người vợ và nói: “Vợ ơi! Anh mới gọi tên em có ba lần mà em đã thấy mệt mỏi và bực tức rồi. Thế mà, em ngày nào cũng niệm A di đà phật trong một thời gian lâu như vậy, không biết liệu ngài có thấy phiền toái không?”.
Ảnh minh họa
Bài học cuộc sống số 3:
Bạn có biết niệm Phật A Di Đà là sự bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với chư vị Phật giáo đồng thời cũng là phương pháp để giữ tâm bình an, lắng đọng khi đối diện với Phật. Nhưng không phải ai trong lúc niệm Phật cũng hoàn toàn chú tâm mà thường để cho tâm tạp niệm quấy nhiễu mình.
Tụng kinh thường ngày cũng tốt nhưng quan trọng hơn và phải tu tâm trong cuộc sống hành ngày. Trong lòng chúng ta vẫn còn nguyên sự tham, sân, si thì chúng ta cũng chỉ mới tu có một nửa bằng lời nói thôi.
Thay vì chỉ ngồi tụng kinh niệm Phật hãy ra ngoài và làm việc tốt, giúp đỡ nhiều người, kiểm soát tốt hơn cảm xúc của mình, bạn sẽ cảm thấy rõ sự khác biệt khi chính mình thay đổi.
Có người vì thất tình mà lên chùa đi tu hay chán cuộc sống hàng ngày mà đi tu thì đó là biểu hiện của sự trốn tránh mà thôi. Tu phải xuất phát từ tâm, mong muốn tâm thanh tịnh, chứ không phải vì chút khó khăn của người đời mà tức giận, tỏ ra tiêu cực thì đi tới đâu cũng không thể giải thoát được phiền não trong lòng mình.
Trúc Chi t/h