Đến Vườn quốc gia Cúc Phương mùa này bạn sẽ được ngắm vô vàn cánh bướm bay lượn trong không gian yên bình, mà nếu không tận mắt chứng kiến thì nhiều người khó tin có thật.
Cách Hà Nội khoảng 120 km về phía tây nam, vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, việc di chuyển tới đây khá thuận lợi. Không chỉ là nơi tham quan, nghỉ dưỡng với hang động người xưa, cây trò ngàn năm hay trung tâm cứu hộ linh trưởng, vài năm gần đây rừng Cúc Phương còn được nhiều người biết đến với đặc sản là những đàn bướm bay ngợp trời vào mỗi dịp cuối xuân, đầu hạ.
Thời điểm cuối tháng 4 đến cuối tháng 5 là thời gian bướm trong rừng Cúc Phương nở rộ nhất. Số lượng cá thể bướm tại đây có thể lên đáng hàng triệu con. Bướm thường ra nhiều nhất vào những ngày nắng đẹp, biến nơi đây như một rừng bướm đa sắc màu. Đây cũng là những ngày rừng Cức Phương đón nhiều du khách đến tham quan và chiêm ngắm “rừng bươm bướm” tại đây.
Hơn 400 loài bướm đủ các chủng loại, số lượng cá thể lên tới hàng triệu con tại đây đua nhau khoe sắc. Bướm thường ra nhiều nhất vào những ngày nắng đẹp, biến nơi đây như một khu rừng đa sắc màu. Đây cũng là dịp rừng Cúc Phương đón nhiều du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng.
Từ cửa rừng, từng đàn bướm nhỏ bay tung tăng như đang vẫy chào khách đến với “thế giới của loài bướm”. Càng vào sâu bên trong rừng, số lượng bướm tăng dần, có chỗ dày đặc, bướm đậu thành từng đàn chi chít nhau. Những lối đi trong rừng luôn đầy bướm, cả trên không trung lẫn ven hai bên đường.
Vào sâu trong rừng, bướm xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt khu vực cây chò ngàn năm, chỉ cần xua tay bướm bay ra từng đàn. Bạn sẽ thấy một cảnh tượng thanh bình, nên thơ khi nhìn những cánh bướm nhỏ bé bên cây cổ thụ ngàn năm. .
Giá vé vào tham qua vườn quốc gia Cúc Phương là 60.000 đồng/người, học sinh, sinh viên được giảm còn 20.000 đồng/người.
Thông tin cần biết trước khi đến Cúc Phương mùa này
Di chuyển:
Có 3 cung đường để bạn di chuyển đến Vườn Quốc gia Cúc Phương, xuất phát từ Hà Nội.
Cung 1: Hà Nội – Sơn Tây – Đường Hồ Chí Minh – QL12B Yên Thủy Hòa Bình – Nho Quan – Cúc Phương
Lưu ý: Đường này dễ đi nhưng cần chú ý tốc độ vì có nhiều trạm chốt công an.
Cung 2: Hà Nội – Phú Xuyên – Hà Nam – Ngã ba Gián – Cúc Phương
Lưu ý: Đường này không đi ngang qua các địa điểm tham quan như Tràng An, Bái Đính, Tuyệt tình cốc (Động Am Tiên) mà đi thẳng đến nhà thờ Châu Sơn, rừng Cúc Phương luôn. Cần chú ý xi nhan và tốc độ khi đi qua địa phận Phú Xuyên.
Cung 3: Hà Nội – Phú Xuyên – Hà Nam – Ninh Bình – Tràng An – Tuyệt tình cốc – Bái Đính – Cúc Phương
Lưu ý: Vì sẽ đi qua các địa điểm tham quan mà cung 2 không qua nên bạn nào muốn tham quan vòng vòng rồi mới tới Cúc Phương xem bướm thì nên đi đường này. Hoặc nếu háo hức muốn săn bướm ngay nhưng vẫn muốn tham quan các địa điểm nổi tiếng như Tràng An, chùa Bái Đính, Tuyệt tình cốc thì bạn có thể đi theo cung 2, tới Cúc Phương rồi về theo cung 3 để du hí các điểm còn lại.
Nơi ở
Nếu đi theo nhóm đông, bạn có thể mang theo lều trại để dựng lều cắm trại qua đêm trong rừng, cảm nhận cuộc sống hòa với thiên nhiên là như thế nào, cũng là một trải nghiệm khá thú vị.
Nếu không muốn ngủ trong rừng, bạn có thể thuê nhà nghỉ bên ngoài với giá dao động tầm 150.000đ – 300.000 tùy phòng.
Lưu ý khi “săn bướm”
– Bướm thường xuất hiện rất nhiều sau mùa mưa. Đặc biệt vào những ngày mưa lớn và hôm sau thì trời hửng nắng, bướm kéo về từng đàn tô điểm cho cả cánh rừng thêm rực rỡ sắc màu, làm rung động trái tim yêu thiên nhiên của bất cứ ai. Vậy nên, để tránh sự thất vọng khi đến nơi lại không thấy bướm, bạn hãy tìm hiểu thật kĩ thời tiết tại Cúc Phương trước khi đi nhé!
– Một lưu ý nữa cho bạn, đó là nên chọn những ngày thường để “săn bướm”, tránh dịp lễ hoặc cuối tuần. Bởi lúc này đông người, bạn vừa phải chen chúc, khó chịu, mà bạn cũng chẳng thể chụp ảnh nữa.
Ngọc Linh (t/h)