Không có bằng chứng cho biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh gây ra các triệu chứng bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn hoặc khiến người mắc có nguy cơ phải nhập viện hơn so với các biến chủng khác của virus này.
Các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã biến đổi nhiều lần kể từ khi lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019.
Theo trang Daily Star, những loại virus như SARS-CoV-2 vốn liên tục đột biến, không phải chúng “thông minh” hay “xảo quyệt” như một số tin đồn gần đây về Ngày Tận thế, mà là một sản phẩm phụ không thể tranh khỏi xảy ra trong quá trình nhân bản bộ gien virus, vốn thường xảy ra lỗi.
Chính những sai sót này tạo ra những chỉ dấu cho phép các nhà khoa học theo dõi nguồn gốc của các chủng virus khác nhau và cách thức chúng lây lan.
Nextstrain là một dự án hợp tác của các nhà dịch tễ học gien quốc tế, nhiều năm qua đã theo dõi và phân tích trên 75.000 trình tự gien của virus, cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các nhà khoa học trên khắp thế giới.
Mỗi ngày có hàng trăm dữ liệu được bổ sung vào thư viện gien này, cho thấy hàng trăm biến chủng virus xuất hiện hàng ngày.
Hiện nay, trên trang web của dự án Nextstrain đã có một bộ sưu tập gồm 3.611 biến thể của virus SARS-CoV-2 gốc phát hiện tại Vũ Hán vào tháng 12/2019 và lan ra khắp thế giới như rễ cây đang phát triển nhanh chóng.
Ở cuối của một trong những chiếc rễ đó có thể phát hiện thấy chủng B.1.1.7, biến thể được phát hiện lần đầu trong một mẫu phân lập tại Anh vào ngày 2/9.
Virus luôn luôn biến đổi
Quá trình biến đổi xảy ra cực kỳ phổ biến trong tiến hóa tự nhiên của tất cả các loại virus. Những biến chủng như vậy của virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận ở trên 130 quốc gia, trong đó có UAE, Saudi Arabia, Bahrain, Iraq, Iran, Israel, Oman, Pakistan và Ấn Độ. Chỉ riêng tại Mỹ đã có tới trên 750 chủng mới.
Tuy nhiên, chủng B.1.1.7 mới được phát hiện tại Anh chứa số lượng đột biến nhiều hơn hầu hết các chủng virus khác, với 17 đột biến.
Chủng B.1.1.7 đang nhanh chóng trở thành trở thành biến chủng thống trị tại Anh. Chỉ tính đến giữa tháng 11, nó chiếm tới 28% tổng số ca mắc mới ở London và miền đông nam nước Anh. Trong vòng 1 tuần, bắt đầu từ ngày 9/12-25/12, chủng này đã chiếm 62% số ca mắc tại London, 43% số ca mắc ở vùng đông nam và 59% ở miền đông nước Anh.
Một loạt quốc gia châu Âu và các khu vực khác đã gần như đồng loạt đóng cửa biên giới với tất cả khách đến và ngừng mọi chuyến bay thương mại từ Anh.
Nhưng hành động đó vẫn có thể đã muộn. Biến chủng virus mới đã được phát hiện tại nhiều địa điểm cách xa, tại Đan Mạch, Hà Lan và Australia. Và chắc chắn biến chủng mới sẽ còn xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Lỗi không chỉ ở “virus biến đổi gien”
Hồi tháng 4, nước Anh chứng kiến đỉnh dịch với trên 5.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng tới tháng 7, sau thời gian phong tỏa nghiêm ngặt, đại dịch được kiểm soát xuống mức 400 ca nhiễm mới và 54 ca tử vong vào ngày 30/6. Nhưng kể từ đó, có điều gì đó đã sai trầm trọng. Vào ngày 20/12, nước Anh ghi nhận tới 36.084 ca nhiễm mới và 326 ca tử vong.
Tất nhiên, có thể đổ lỗi cho biến chủng virus mới lây lan nhanh hơn so với các chủng “tiền nhiệm” do chúng đã nâng cao khả năng xâm nhập vào tế bào. Điều đó chắc chắn góp phần dẫn đến sự lây lan thống trị của chủng này tại Anh.
Nhưng trong loạt câu chuyện về “virus biến đổi” đang lan đi, có một số yếu tố quan trọng đang bị bỏ qua.
Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy biến chủng virus mới này gây ra dạng bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn, hoặc khiến bệnh nhân phải nhập viện nhiều hơn so với bất kỳ chủng nào khác đã xuất hiện.
Cũng không có bằng chứng nào cho thấy chủng virus mới làm thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể – đồng nghĩa chủng này cũng dễ bị tác động bởi các loại vaccine như bất kỳ biến thể nào khác của SARS-CoV-2.
Nói cách khác, B.1.1.7 không phát triển một cách bí ẩn để có thể vượt qua các biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả mà chúng ta đã quen thuộc, như rửa tay, đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách với người khác và tránh tụ tập.
Bài học mất cảnh giác
Tại Anh, năng lực đối phó của hệ thống y tế trong thời kỳ đại dịch đã bị tổn thương, một phần bởi những lỗ hổng trong quản lý và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Chính phủ Anh cho rằng các trường học nên mở cửa, thay vì để học sinh tham gia trực tuyến. Đây có thể là một sai lầm. Theo một cố vấn trong chính phủ Anh, chủng virus mới này có thể khiến trẻ em dễ bị mắc bệnh COVID-19 hơn cho dù trẻ em được cho là đối tượng ít bị tổn thương hơn do SARS-CoV-2 so với các lứa tuổi khác.
Biến thể B.1.1.7 được phát hiện tại Anh lần đầu tiên vào ngày 2/9 nhưng số ca mắc mới the
o ngày ở nước này đã gia tăng kể từ đầu tháng 7. Nói cách khác, dù có hay không có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 chủng mới, việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa cùng những chính sách về y tế thiếu hiệu quả đã khiến dịch bệnh tái bùng phát nghiêm trọng hơn.
Khi B.1.1.7 xuất hiện, nó đã “lợi dụng” những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ y tế của Anh để lây lan mạnh mẽ hơn.
Cảm giác sợ hãi đối với chủng virus B.1.1.7 dường như đã bị đặt sai vị trí. Chủng virus này không khiến căn bệnh COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có khả năng kháng vaccine tốt hơn. Nhưng nó lại nêu bật một thực trạng là ngay cả khi chiến dịch sản xuất vaccine đang được tăng tốc, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sẽ vẫn còn kéo dài và những quốc gia mất cảnh giác có thể sớm phải trả giá đắt.