Chồng tôi chỉ đưa 2 – 3 triệu mỗi tháng nhưng lúc nào cũng chê bai mâm cơm không ngon, quá đạm bạc. Sau 1 thời gian dài chịu đựng, tôi quyết định chơi chiêu hiểm khiến anh sợ mất mật.
Tôi năm nay 26 tuổi, chồng 30 tuổi. Chúng tôi kết hôn được gần 1 năm qua dì họ mai mối. Chính vì thế, chúng tôi cũng chẳng phải là yêu đương sâu đậm, chỉ là gặp gỡ có cảm tình, suy xét điều kiện phù hợp nên cưới.
Tuy nhiên, cũng vì thế mà tôi cảm thấy cuộc sống hôn nhân thật sự rất buồn tẻ, chán ngán. Anh chưa bao giờ công khai thu nhập với tôi cả, cũng không chịu đưa tiền tôi giữ. Vài lần chúng tôi ngồi thẳng thắn nói về vấn đề tiền bạc, tuy nhiên anh rào trước luôn: “Anh tự thấy bản thân mình biết cách kiếm tiền và chi tiêu rất tốt. Em thấy đấy, đâu phải tự dưng mà 1 anh chàng 30 tuổi xây được căn nhà 2 tầng khang trang thế này? Thế nên không vấn đề gì đâu, vợ chồng mình tiền ai nấy giữ.”
Tôi còn ngơ ngác chưa biết nói tiếp thế nào thì anh còn bồi thêm 1 câu nửa thật nửa đùa: “Không em thấy mình chưa giỏi vun vén, chi tiêu thì đưa lương đây anh giữ cho cũng được!”
Tôi cứng họng luôn. Sau cùng, chúng tôi thống nhất sẽ tự giữ tiền, mỗi tháng anh góp thêm 2 – 3 triệu để trang trải ăn uống, điện nước. Dù chúng tôi ở quê, ăn uống không quá tốn kém nhưng tôi thấy con số ấy vẫn quá ít ỏi. Đòi tăng lên thì anh thủng thẳng bảo: “Thế thì em lại không biết cách chi tiêu rồi. Mẹ anh 3 triệu lo đủ tất cả mọi khoản trong nhà đó, mà nhà anh còn có 4 người lận”.
Cuối cùng tôi vẫn đành phải chấp nhận với con số đó. Thực ra không thì cũng không được, tôi hiền quá nên anh hay lấn lướt.
(Ảnh minh họa)
Thời gian gần đây thịt lợn, thịt gà, vịt, ngan gì cũng tăng giá rất nhiều. Chính vì thế, mỗi lần cầm 50k – 60k đi chợ tôi đều hoang mang: Ăn gì đủ chất bây giờ?
Cuối cùng không giải quyết được bài toán này, tôi mặc kệ mua đúng như số tiền mình có. Nhưng bực một nỗi, chồng tôi chẳng hề cảm thông khi tôi kêu than thực phẩm tăng giá. Anh chỉ nhìn mâm cơm rồi chỉ trích, chê bai tôi: “Em làm mỗi mấy món như thế này ai nuốt nổi?”, “Em không được dạy nội trợ đúng không?”, “Xưa giờ mẹ anh chưa bao giờ để anh ăn uống kham khổ như này đấy!”…
Tôi giận tím mặt. Tiền anh đã đưa ít, mua đồ trong gia đình, sửa sang đồ đạc, điện nước, mạng,… tôi phải bù phần lớn. Chưa kể, tôi như “osin” không công cho anh trong nhà này chứ không phải một cô vợ.
Mang tất cả những ấm ức đó kể với hội bạn, chúng mách tôi phải “trả đũa” để anh sáng mắt 1 phen.
Thế rồi, bữa sau tôi lại nấu 1 mâm cơm 60k với 1 đĩa thịt ba chỉ luộc bé xíu, 1 tô canh, 1 đĩa rau xào, đậu phụ sốt và trứng rán. Trông thì cũng khá tươm tất nhưng với chồng tôi, trứng, đậu phụ… đều là những thứ “rẻ tiền, không bổ dưỡng, đạm bạc” và nếu tôi có nấu sẽ bị xếp vào dạng “không biết nấu nướng, không biết chi tiêu, không giỏi nội trợ”.
Đúng y như dự đoán, anh chê đĩa thịt bé, chê mâm cơm không có gì ăn. Tôi giơ ra tờ giấy ghi chi tiết những thứ tôi chi với số tiền 60k/bữa ăn. Mặt giấy tiếp theo, tôi ghi chi tiết từng khoản chi tiêu số tiền 3 triệu của anh thế mà tôi vẫn phải góp thêm 3 triệu nữa mới đủ.
Trong lúc anh chồng đang cắm cúi nghiên cứu, tôi lôi ra một con vịt quay cùng đĩa nem tai, bày ra và hồ hởi bảo: “Đây, hôm nay em mời anh 1 bữa thịnh soạn. 160k vịt nướng và 40k nem tai, tiền của em, anh không cần lo. Em muốn bàn giao lại cho anh công việc nội trợ, bếp núc và chi tiêu trong gia đình. Mỗi tháng em cũng đưa anh 3 triệu nhé, anh cho em thấy khả năng quản lý chi tiêu của anh đi”.
Tôi nói tới đó, anh chồng mặt mày xám ngoét lại. Có lẽ, anh không ngờ tôi lại “chơi chiêu” hiểm như vậy. Nhưng sau hôm đó, chúng tôi đã bàn bạc lại và có những chia sẻ cởi mở hơn về chuyện tiền bạc.
Theo Helino