Bắt đầu công việc từ sáng sớm, di chuyển trên những cung đường đông đúc, chật hẹp, chạy đua với thời gian, hay gặp phải những sự cố bất ngờ trên một phút bất cẩn hay thiếu tập trung, tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Đằng sau những vất vả của công việc, lái xe buýt còn nhiều trăn trở với nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trong điều kiện ùn tắc giao thông, xe buýt lại chưa có làn đường riêng, thậm chí phải lưu thông trong những tuyến đường nhỏ hẹp, thì công việc lái xe buýt vô cùng áp lực và vất vả. Xe buýt cồng kềnh lại phải di chuyển cùng với rất nhiều loại hình phương tiện khác như xe máy, ô tô con, xe đạp, trong khi cứ 500-700m lại phải ra vào điểm dừng để đón trả khách, tài xế xe buýt phải gồng mình len lỏi giữa dòng phương tiện hỗn loạn, chưa kể còn phải chạy đua với thời gian để không bị “âm giờ”.
Chị Trịnh Thu Thủy (ở Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: chị đi xe buýt từ khi vào đại học, đến nay, sau 15 năm, chị vẫn coi xe buýt là phương tiện đi lại chính do chỗ làm xa. Theo chị, công việc lái xe buýt chịu rất nhiều áp lực, nhất là trong bối cảnh giao thông phức tạp như hiện nay.
Chị Thủy cho biết:
“Bản thân mình đi xe buýt rồi mới thấy là nghề tài xế xe buýt rất là áp lực bởi vi khi đi trên đường ý thức của dân mình vẫn chưa tốt lắm, xe máy đi một kiểu, ô tô đi một kiểu. Thành ra là lái cái xe to như xe buýt mới thấy là đi đường Hà Nội rất phức tạp và còn bị áp lực về thời gian cho mỗi chuyến nữa”.
Lái xe Phạm Ngọc Thái chạy tuyến 107 Kim Mã – Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, anh đã làm công việc này được 15 năm. Nghề lái xe buýt rất vất vả, sáng nào anh cũng phải dậy đi làm từ 3h30 sáng. Điều khiển một phương tiện khổ lớn trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhỏ hẹp, giao thông hỗn loạn, đôi khi xe hỏng hóc, ùn tắc, cùng áp lực về thời gian chuyến của xe khiến những người làm công việc lái xe như anh nhiều lúc vô cùng căng thẳng.
“Đường xá đông đúc, nhất là dịp Tết này thì đường rất đông, tắc đường, chạy xe toàn “âm giờ” thôi. Mà “âm giờ” thì anh em lái xe về bến là lại phải chạy luôn, gần như không có ngày nghỉ, phải đi suốt. Hay có những lúc xe hỏng thì phải chờ. Ví dụ như hôm nay xe hỏng, phải chờ thợ ra làm lốp rồi mới chạy xe, như hiện giờ là âm giờ gần 1 tiếng đồng hồ rồi”.
Là người đồng hành cùng anh Phạm Ngọc Thái trong suốt nhiều năm qua, anh Trần Trung Hiếu (phụ xe trên tuyến buýt 107 Kim Mã – Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam) chia sẻ ngoài áp lực khi tham gia giao thông, các nhân viên trên xe buýt còn phải đối mặt với nhiều bất cập như hành khách không chủ động mua vé, cố tình trốn vé hay các sự vụ ẩu đả, xô xát từ hành khách. Thế nhưng, với những người gắn bó với công việc này, niềm vui khi có thể đưa hành khách tới điểm đến an toàn vẫn giúp họ vượt qua được những khó khăn.
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời đi làm của tôi là năm 2008, quãng thời gian mưa lụt, tất cả đường Hà Nội ngập nước, chỉ có duy nhất tuyến 02 chuyên chở khách, chở khách từ trên đầu Bác Cổ về Hà Đông sau quay lại. Gần như là tất cả đường xá ngập hết chỉ có mỗi xe buýt chạy trên đường, mà chở khách từ sáng đến tối. Quãng thời gian ấy không giờ quên được”.
Niềm đam mê với công việc đã giúp anh em lái xe vượt qua áp lực thế nhưng nhiều tài xế chia sẻ với mức lương như hiện nay họ khó có thể trang trải cuộc sống. Thu nhập bình quân lái xe buýt dao động khoảng 10 triệu đồng/tháng nếu đi làm đủ ngày công. Tiền ăn ca trưa suốt 15 năm nay vẫn chỉ là 15.000 đồng/bữa. Nhiều người sau giờ làm, phải chạy thêm Grab đến tối để có thêm thu nhập.
Các nhân viên xe buýt chia sẻ:
“Tôi mong muốn đồng lương của anh em được cải thiện, tăng lên để anh em đỡ vất vả. Bởi thực sự với đồng lương như hiện nay trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ như bây giờ thì mình phải làm thêm mới đủ chi tiêu. Làm thế này xong về phải làm thêm chứ với đồng lương thế này không đảm bảo được”.
“Thực sự mức lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện tại. Mức ăn ca 15.000 đồng mà 15 năm nay không thay đổi gì cả. Hiện tại mình chưa có gia đình thì với mức thu nhập của mình có thể tạm đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống độc thân nhưng những người có gia đình thì thực sự vất vả. Họ thường sẽ phải tăng ca hoặc ra ngoài chạy Grab. Có những ông anh nhà cách xí nghiệp 20-30km, sáng đi làm, chiều về chạy Grab, gần như cả ngày luôn. Nếu như mà nói là công việc nhà nước đủ nuôi sống gia đình thì khó lắm”.
Cũng do đặc thù công việc, lái xe buýt hầu như không có được những ngày nghỉ lễ Tết trọn vẹn bên gia đình. Các tuyến xe buýt đều hoạt động xuyên Tết để phục vụ nhu cầu đi chơi, vui chơi của hành khách, cũng bởi thế mà anh em lái xe, nhân viên bán vé, thậm chí cả thợ bảo dưỡng, rửa xe, thu nhân, điều hành cũng phải thay nhau làm việc, trực Tết. Việc ngắm nhìn người dân sắm Tết qua tấm kính xe buýt dường như đã trở thành một “thú vui” với cánh lái xe buýt như a Thái vào những ngày giáp Tết.
“Đông nhưng Tết nhìn mọi người đi mua sắm thì mình cũng vui. Nói chung là vất vả nhưng công việc mình như vậy rồi nên mình vẫn cảm thấy vui. Mình phục vụ được mọi người, đưa mọi người đi lại thuận tiện, an toàn là niềm hạnh phúc nhất của mình”.
Trong tương lai, xe buýt nói riêng và các loại hình phương tiện giao thông công cộng sẽ đóng vai trò chủ lực. Chính vì vậy, công việc của những người làm phục vụ xe buýt cũng vất vả theo. Điều mong mỏi lớn nhất của họ là có được sự quan tâm hơn nữa của thành phố để cải thiện cuộc sống, bên cạnh đó, các hành khách khi tham gia giao thông bằng xe buýt cần có ý thức hơn trong việc ứng xử, nên tuân theo nội quy trên xe và hướng dẫn của phụ xe. Có như vậy thì ý thức văn hóa giao thông mới có thể tăng, tránh những việc đáng tiếc xảy ra.