Ít người biết rằng, đất nước đầy bom đạn như Syria lại có lịch sử âm nhạc lâu đời hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nhà nước Syria được thành lập năm 1946 nhưng âm nhạc nơi đây đã có lịch sử từ hàng nghìn năm trước.
Theo BBC, những bộ tộc với nhiều tôn giáo khác nhau đã đến rồi đi, dọc theo chiều dài cả thiên niên kỷ của Syria như: Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Do Thái, Ả Rập, Armenia hay người Kurd… đều đóng góp một phần vào di sản âm nhạc khổng lồ này.
Vào những năm 1950, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 29 viên đất sét có niên đại khoảng 3.400 năm tuổi ở thành phố cảng Ugarit cổ xưa trên bờ Địa Trung Hải của Syria.
Những viên đá này gần như đã bị vỡ vụn nhưng một trong số đó vẫn còn giữ được ở dạng lớn, sau này nó được đặt tên là H6. Những gì khắc trên H6 được các nhà nghiên cứu tin là ví dụ đầu tiên về ký hiệu âm nhạc và lời bài hát của con người.
Những mảnh đất sét này chính là sự khởi đầu của một di sản âm nhạc đồ sộ có một không hai của Syria. Các nhà khoa học đã dành nhiều năm để ghép các viên đá cổ nhằm tìm ra nội dung viết trên đó.
Những văn bản này được viết theo dạng chữ hình nêm của người Babylon, hệ thống chữ viết phổ biến khắp khu vực Địa Trung Hải cách đây hàng nghìn năm.
Richard Dumbrill, giáo sư tại Đại học Babylon, đã dành ra hơn 20 năm để nghiên cứu các phiến đá ở Ugarit. Ông đã chụp ảnh và cố gắng ghép chúng lại như trò giải đố, nhưng một số đã bị hư hại đến mức không thể phục hồi.
Theo giáo sư, tài liệu khó dịch này bắt nguồn từ một hệ thống ngôn ngữ được gọi là Hurrian phía đông bắc vùng Caucasus (địa phận Armenia ngày nay), nhưng cuối cùng lại được phổ biến ở Syria.
“Những người này đã di cư về phía tây bắc Syria, trong khoảng thời gian 2.000 năm. Họ đã dùng ký hiệu Babylon để viết chữ và ghi lại âm nhạc của mình” – Dumbrill nói.
Theo những bản dịch của Dumbrill, người Syria cổ xưa có một danh mục các bài hát cho đủ thời điểm và tâm trạng khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở các sự kiện tôn giáo.
Có thể tìm thấy bài hát kể một cô gái bán bia cho khách và cả những câu chuyện sâu sắc hơn. “Một người vợ trẻ cho rằng bản thân đã làm điều gì đó sai trái nên không có con. Vào ban đêm, cô ấy đi cầu nguyện thần Nigal, nữ thần mặt trăng. Cô mang theo đồ dâng lên là một ấm thiếc đựng hạt mè hoặc dầu mè” – Dumbrill nói.
Tuy nhiên, Syria không chỉ là nơi con người sáng tác ra những giai điệu sớm nhất. Theo thời gian, một loạt các loại nhạc cụ phong phú cũng đã được chế tác, chẳng hạn như đàn Lyre nổi tiếng.
Tại Mari, thành phố có trước thời Đồ Đồng trên bờ sông Euphrates (phía đông Syria ngày nay), các nhà khảo cổ đã phát hiện một số ghi chép chi tiết về công việc sản xuất nhạc cụ thời đó.
Dumbrill cho biết: “Trong cung điện ở Mari, chúng tôi đã phát hiện lượng lớn các phiến đá, chủ yếu là thư nói về việc các nghệ nhân đang yêu cầu cung cấp gỗ, da động vật và vàng bạc để làm nhạc cụ”. Nhóm khảo cổ của Dumbrill tin rằng các nhạc cụ đã được chế tác khoảng 4.000 năm về trước.
Việc sản xuất nhạc cụ đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Syria qua nhiều thế kỷ. Một số bộ sưu tập đang được bảo quản và mở cửa cho du khách thưởng lãm.
Năm ngoái, chính quyền Syria đã nỗ lực vận động để đưa Aleppo vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO với tư cách là “Thành phố âm nhạc” nhằm tôn vinh di sản nơi đây.
Từ thế kỷ 17, Aleppo đã nổi tiếng với Muwashshah, hình thức âm nhạc kết hợp với lời bài hát từ thơ Andalucia (thơ Ả Rập cổ). Muwashshah được thực hiện bởi một ban nhạc chơi oud và qanun (có âm thanh nghe như tiếng nước chảy), hay kamanja (một nhạc cụ giống như violin), darabukkah (trống).
Từ lâu, Beirut được xem như một vườn ươm cho tài năng sáng tạo của Syria. Nơi đây trở thành một trung tâm bảo tồn di sản âm nhạc của đất nước.
Theo Trường Đặng/Vnexpress