Tính đến 30-11-2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng còn 2,46% tổng dư nợ, giảm rất nhiều so với năm 2015. Trong năm qua, nợ xấu phát sinh mới trong hệ thống cũng giảm so với các năm trước nên khối lượng nợ xấu bán cho VAMC cũng thấp hơn.

Đặc biệt, phần lớn nợ xấu được các ngân hàng giải quyết bằng việc sử dụng dự phòng rủi ro, bán tài sản đảm bảo và thu nợ xấu từ khách hàng trong khi số nợ bán cho VAMC giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết 30-11, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2017-2020 là xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, các ngân hàng yếu kém được kiểm soát, tái cơ cấu, giám sát chặt chẽ hoạt động, các tồn tại, yếu kém tiếp tục được chấn chỉnh, xử lý dứt điểm.

Năm 2016, công tác thanh tra, giám sát hoạt động của ngân hàng tiếp tục được tăng cường, qua đó hỗ trợ tích cực cho thực thi chính sách tiền tệ và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. “Trong giai đoạn 2017-2020, NHNN đã xây dựng đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đối với 3 ngân hàng “0 đồng” cùng với một số ngân hàng yếu kém khác.

Theo đó, 3 ngân hàng “0 đồng” là CBBank, OceanBank, GPBank cùng ngân hàng DongABank và một vài ngân khác sẽ nằm trong đề án tái cơ cấu, tập trung xử lý nợ xấu của giai đoạn này.

NHNN đã trình Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý những ngân hàng nói trên. Sau khi được phê duyệt, NHNN sẽ tiến hành xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém này”, Phó chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Hưng cho hay.

Ngoài ra, đại diện NHNN cũng cho biết, thời gian tới cơ quan này cũng sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm các TCTD phi ngân hàng yếu kém, bao gồm các quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính, cho thuê tài chính.

Với  hệ thống quỹ TCTD, NHNN cũng đã báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ phương án xử lý những TCTD không có khả năng phục hồi. Việc xử lý dứt điểm những TCTD yếu kém này sẽ giúp hệ thống các TCTD Việt Nam phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Thông tin thêm về việc xử lý các TCTD yếu kém, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, đối với 3 ngân hàng 0 đồng cũng như DongABank, NHNN sẽ tăng cường kiểm soát, tái cơ cấu để có những chỉ đạo cụ thể.

“Thống đốc rất quyết liệt chỉ đạo để thực hiện triển khai xử lý những ngân hàng 0 đồng này. NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trình Thủ tướng”- bà Hồng nhấn mạnh.

Bà Hồng cũng cho biết thêm: Việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đang được triển khai mạnh mẽ trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản, ổn định và phát triển hệ thống. NHNN đã nhận diện và tham mưu, triển khai phương án tái cơ cấu để đảm bảo mục tiêu đặt ra.

Về cơ bản, hệ thống đã nhận diện được về số lượng ngân hàng yếu kém… Nhờ đó, hoạt động của các ngân hàng này đã dần được cải thiện, không gây tác động tiêu cực, gây khủng hoảng cho hệ thống.

Sẽ xử lý nghiêm cán bộ ngân hàng tiếp tay đưa tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Tết Nguyên đán 2017, NHNN sẽ không đưa tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng ra lưu thông mà chỉ đảm bảo cung cấp đủ các loại tiền mệnh giá này nhưng đã bó lại và đang nằm ở hệ thống kho quỹ. “Căn cứ nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống NHNN sẽ vẫn chi cho các TCTD đưa ra lưu thông nhưng sẽ thực hiện nghiêm không chỉ tiền mới dưới 5.000 đồng ra lưu thông. Theo tính toán của NHNN, trong lưu thông hiện nay tiền mới, tiền cũ có đầy đủ; vẫn có thể xuất hiện những bó tiền mới trong khu vực đền chùa vì một vài doanh nghiệp găm giữ lại; riêng trong ngành chúng tôi nghiêm cấm. Đặc biệt, chúng tôi đề nghị báo chí, người dân giúp phát hiện chỉ cần cán bộ ngân hàng nào vi phạm tiếp tay đưa tiền mới ra, chúng tôi sẽ cho kỷ luật ngay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. Cũng theo ông Tú, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, NHNN sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương này lên đến gần 2.000 tỷ đồng.