Trong hướng dẫn của bộ GD&ĐT về việc chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nCoV, Bộ nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương, thời gian học bù được sử dụng từ quỹ thời gian dự phòng, có thể cho học sinh học bù vào một số ngày thứ bảy hoặc chủ nhật…
Chiều ngày 7/2, bộ GD&ĐT đã gửi công văn hỏa tốc tới các sở GD&ĐT, hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 716/VPCP-KGVX ngày 02/02/2020, bộ GD&ĐT đã có Công văn số 269/BGDĐT-GDTC ngày 3/2/2020 hướng dẫn cho học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh nCoV.
Theo hướng dẫn của bộ GD&ĐT, tất cả các tỉnh, thành phố đã quyết định cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên (sau đây gọi chung là học sinh) nghỉ học. Bộ GD&ĐT tạo đánh giá cao tinh thần nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của các địa phương, cơ sở giáo dục trong thời gian qua.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tiếp tục theo dõi, tiếp nhận thông tin chính thức từ các cơ quan chuyên môn để đánh giá đúng tình hình dịch bệnh, bảo đảm thông tin chính xác và chỉ đạo kịp thời đến các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để chủ động các biện pháp phòng, chống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để đón học sinh trở lại trường học theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, tham mưu UBND tỉnh, thành phố việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực.
Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch nCoV.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị đồng bộ các biện pháp để đón học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tinh thần của tất cả học sinh, giáo viên theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học.
Xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định. Thời gian học bù được sử dụng từ quỹ thời gian dự phòng đã được quy định tại Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 của bộ GD&ĐT. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng cơ cở vật chất của nhà trường để tổ chức học bù cho học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trường hợp cần thiết, tổ chức một số buổi học bù vào thứ bảy hoặc chủ nhật để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, bộ GD&ĐT sẽ quyết định việc điều chỉnh một số mốc thời gian trong Quyết định 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả.
Trước đó, để bảo an toàn cho toàn thể học sinh, giáo viên, cán bộ trong từng môi trường học đường, bộ GD&ĐT đã chỉ đạo cho các tỉnh, thành phố chủ động cho học sinh nghỉ học từ ngày 3/2 đến ngày 9/2. Sau đó, các địa phương và một số trường đại học tiếp tục kéo dài thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học.
Đến chiều ngày 7/2, đã có 37 địa phương cho học sinh nghỉ thêm một tuần từ ngày 10 đến 16/2 để phòng dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra. Bên cạnh đó, với bậc đại học, nhiều trường cũng tiếp tục gia hạn cho sinh viên nghỉ thêm một tuần nữa (đến 16/2), như: trường đại học Bách khoa Hà Nội, trường đại học Kinh tế Quốc dân, trường đại học Xây dựng, trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thậm chí, trường đại học Thái Nguyên cho sinh viên nghỉ tới 1/3, trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nghỉ tới 9/3. Khối trường nghề có 895 cơ sở trường học cho học viên nghỉ hết ngày 9/2; hơn 150 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác vẫn bố trí cho người học bình thường.
Đây là lần đầu tiên các tỉnh thành, trường đại học đồng loạt cho học sinh, sinh viên nghỉ học vì dịch truyền nhiễm. Trong dịp Tết Canh Tý, học sinh đã nghỉ học từ 7 đến 16 ngày, sinh viên nghỉ 10 đến 21 ngày.