Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng trao đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, lấy nhân ái để làm đầy những khiếm khuyết. Với cô, “Người đẹp Nhân ái” không tính bằng nhiệm kỳ.
Xuất hiện trong bộ trang phục giản dị với quần jeans và áo phông, búi tóc tết gọn lại phía sau lưng, Hoa hậu Ngọc Hân nhiệt thành và tràn đầy năng lượng khi góp mặt trong dự án “Thắp lên hi vọng” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 với vai trò đại sứ nhân ái. Đối với dự án này, các thí sinh có cơ hội được biết về hành trình 20 năm thực hiện những ca mổ miễn phí cho các bệnh nhân dị tật trên khắp nước của GS.TS Trần Thiết Sơn.
Hoa hậu Ngọc Hân vui vẻ, niềm nở trò chuyện cùng các thí sinh như họ là những người em trong nhà. Cô tâm sự cùng bệnh nhân lại càng thân mật và tự nhiên hơn nữa. Ngọc Hân cho biết, cô bất ngờ và xúc động khi là người theo dõi hành trình thực hiện dự án của các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2020.
“Những cô gái tuổi 18 đôi mươi còn nhiều bỡ ngỡ nhưng đầy lòng trắc ẩn. Họ còn trẻ nhưng lòng nhân ái thì không có tuổi. Tôi nhìn thấy ở họ tình yêu thương và muốn chia sẻ. Từ cử chỉ, câu chuyện hay từng chi tiết rất nhỏ trong hành trình thực hiện dự án “Thắp lên hi vọng”, tôi hạnh phúc khi nhận ra, những cô gái ấy đã rất gần với bốn chữ “Người đẹp Nhân ái”. Chúng ta cần thời gian để đánh giá công tâm nhất cũng như tìm ra gương mặt phù hợp với danh hiệu “Người đẹp Nhân ái” trong đêm Chung kết toàn quốc – Hoa hậu Việt Nam 2020. Nhưng điều quan trọng nhất, trên hành trình để đến với danh hiệu, dù là hành động nhỏ cũng mang lại ý nghĩa rất lớn, cả cho người trao đi và người nhận lại”- Ngọc Hân thổ lộ.
Trở lại câu chuyện về GSTS Trần Thiết Sơn – người dành 1/3 thời gian của mình để thực hiện những ca phẫu thuật, chỉnh hình miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền tổ quốc, Ngọc Hân bày tỏ sự ngưỡng mộ trước một tấm gương về nhân ái đáng kính.
“Chúng ta đang thực hiện dự án nhân ái về một người nhân ái. Tôi nghĩ, không biết chúng ta sẽ cần bao nhiêu bằng khen hay buổi lễ vinh danh mới đủ cho những cống hiến của GSTS Trần Thiết Sơn. Ông là người vẽ ra cuộc đời mới, hi vọng mới cho những người tưởng như đã đối diện với địa ngục, bế tắc. Đối diện với ông- một người tưởng như rất bình thường nhưng lại phi thường. Tôi thực sự kính nể và ngưỡng mộ. Chúng ta có thể đếm hay liệt kê những chuyến công tác, những buổi thiện nguyện đã từng trải qua nhưng hàng triệu bức ảnh về bệnh nhân của bác sĩ Sơn như nói lên tất cả. Tôi càng cảm thấy bản thân mình nhỏ bé, những đóng góp của mình thật nhỏ bé trước những con người như bác sĩ Sơn”- Hoa hậu Việt Nam 2010 nói.
Trước khi trở về, Ngọc Hân vội vàng ghi lại vài dòng trên cuốn sổ lưu bút của cô gái có tên Hà Bích Hảo – một trong hàng triệu bệnh nhân của GSTS Trần Thiết Sơn chuẩn bị bước vào ca mổ: “Gửi em Mầm. Ấn tượng đầu tiên của chị về em là một cô gái hết sức tự tin, vui vẻ. Chị tin rằng trong tương lai, em sẽ có nhiều hơn sự thành công và hạnh phúc”. Với một gương mặt không còn nguyên vẹn, mất một bên tai vì “tai nạn” đáng tiếc từ khi 6 tháng tuổi nhưng Hảo luôn vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Hảo tự đặt cho mình hai cái tên là “Mầm” và “Tâm” mà theo lý giải của cô: Mầm là mầm sống và Tâm là tâm hồn tươi trẻ.
Nói như Hoa hậu Ngọc Hân, chúng ta trao đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, lấy nhân ái để làm đầy những khiếm khuyết. “Sau khi hoàn thành dự án nhân ái “Thắp lên hi vọng”, tôi tin rằng, các thí sinh sẽ trưởng thành hơn và trân quý hơn những gì mình đang có. Chỉ có từng chứng kiến, chỉ có ở gần nhất với mất mát và nỗi đau, các em mới hiểu thấu giá trị của hành trình mà các em đang đi. Để dù có đăng quang hay trở về là những cô gái bình thường, họ cũng sẽ ghi nhớ những trải nghiệm đáng quý này. Với tôi, Người đẹp Nhân ái không tính bằng nhiệm kỳ. Không ít người cho rằng làm từ thiện là làm màu và có mục đích. Nhưng mục đích lớn nhất chẳng phải là làm từ thiện đó hay sao!”- Ngọc Hân nhấn mạnh.