Nhiều tổ chức, cá nhân vẫn “ngó lơ” hoặc tìm cách lách luật, bất chấp những quy định cụ thể và hình thức xử phạt cho các cuộc thi nhan sắc chui.
Vừa qua, cuộc thi Miss Baby Viet Nam vừa được tổ chức đêm chung kết tại TP Huế (10/10) gây xôn xao trong dư luận vì tổ chức thi hoa hậu, trao vương miện cho các em ở độ tuổi nhi đồng.
Được biết cuộc thi Miss Baby Viet Nam do tạp chí Kids Model Việt Nam tổ chức. Trên trang Facebook Kids Model Viet Nam vẫn còn đăng đầy đủ thông tin cuộc thi này. Theo thông tin từ ban tổ chức được đăng tải trên trang Facebook Kids Model Viet Nam, cuộc thi đã tổ chức tới lần thứ 3. Năm nay là lần đầu tiên có thêm phần thi Miss Baby Nhân ái, như fomat của các cuộc thi hoa hậu chuyên nghiệp dành cho các cô gái hiện nay.
22 thí sinh xuất sắc nhất đến từ 19 tỉnh thành trên cả nước cùng nhau trải qua các phần thi trình diễn áo dài, trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn trang phục dạ hội và phần thi ứng xử tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Trước đêm chung kết, các gương mặt nhí đã tham gia các phần thi tài năng, thi thể thao.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, phó cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết sau khi có dư luận phản ánh về cuộc thi Miss Baby Viet Nam, cục đã yêu cầu sở Văn hóa – thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo.
Theo ông Dương, đặc biệt với các sai phạm liên quan đến trẻ em, quan điểm của cục Nghệ thuật biểu diễn là phải xử lý rất nghiêm. Luật bảo vệ trẻ em sửa đổi năm 2014 có quy định khuyến khích các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng dành cho trẻ em. Ví dụ các hoạt động quần chúng mang tính phong trào kiểu các cuộc thi bé khỏe bé đẹp, không phải hoạt động văn hóa mang tính chuyên nghiệp. Còn nếu có thi và trao vương miện do một đơn vị chuyên nghiệp đứng ra tổ chức thì đó là hoạt động văn hóa chuyên nghiệp, không nằm trong phạm vi khuyến khích của Luật bảo vệ trẻ em.
Ông Dương cũng nói những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng không có quy định về cuộc thi hoa hậu dành cho trẻ em, nghĩa là không cấp phép thi hoa hậu trẻ em.
Quay trở lại với thực trạng tổ chức ồ ạt, thậm chí các thí sinh đi thi “chui” các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp vốn không phải là câu chuyện xa lạ gì trong những năm gần đây. Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc “loạn” các danh hiệu về nhan sắc.
Một thời gian công chúng không khỏi bất ngờ trước những danh xưng kỳ lạ như: Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam, Nữ hoàng sản xuất nội thất Việt Nam, Nữ hoàng Dệt may Việt Nam,…
Còn nhớ đêm chung kết cuộc thi Miss Global Her Beauty diễn ra ngày 5/1/2020 tại một khách sạn hạng sang ở Hà Nội với 30 thí sinh tham dự nhưng trao đến 8 giải phụ và đều được gọi là Hoa hậu. Ngoài ra có tới 3 giải Á hậu được trao cùng 1 giải Hoa hậu được đông đảo cư dân mạng bày tỏ trên các diễn đàn mạng xã hội về loạn 2 từ danh xưng Hoa hậu từ các cuộc thi nhan sắc không danh chính.
Đối với các cuộc thi hoa hậu tổ chức ở nước ngoài nhưng phần lớn là người đẹp trong nước đi thi thường mang những tên cực “kêu” như: Hoa hậu Việt Nam thế giới, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt, Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới, Hoa hậu Sắc đẹp phụ nữ 2017… Không chỉ thí sinh, ngay cả giám khảo, ban tổ chức các cuộc thi trên đa phần cũng từ trong nước tham gia.
Nhiều người đẹp đi thi “chui” tại các cuộc thi quốc tế khác cũng đã tạo nên một hình ảnh xấu với các “sân chơi” về nhan sắc. Những cái tên như Lê Âu Ngân Anh, Nguyễn Thị Thành, Quế Vân, Mai Ngô, Huỳnh Tiên… từng làm “dậy sóng” dư luận một thời gian về hành vi thi người đẹp chui và không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng.
Rõ ràng là việc có quá nhiều cuộc thi, có quá nhiều danh hiệu như vậy khiến cho nhiều người bày tỏ sự lo ngại về thực trạng loạn Hoa hậu do nở rộ nhan sắc cuộc thi chui.
“Thỉnh thoảng đọc báo thấy cô A, cô B là Hoa hậu, tự nhiên giật mình không biết hoa hậu gì nghe tên lạ hoắc. Loạn hoa hậu rồi”, “Người thì thích danh và tiền, người thì muốn tô son trát phấn thương hiệu. Nhưng tất cả đều tượng trưng của hình ảnh…hoa nylon”, “Quảng cáo sản phẩm giả nay lại tiếp tay cho cuộc thi không giấy phép, vì tiền bất chấp hậu quả”, “Ra ngõ gặp hoa hậu, xuống phố chạm nữ hoàng”,…là những ý kiến của cư dân mạng.
Theo quy định thì danh hiệu từ những cuộc thi chui không có giá trị, không được thừa nhận nhưng trên thực tế thì nhiều người đẹp Việt vẫn ngang nhiên dùng danh xưng đó để hoạt động trong giới giải trí. Không những thế, nhiều chân dài còn sử dụng những danh hiệu như bảo bối nhằm mục đích kinh doanh, thậm chí làm một công cụ để nâng giá bán dâm bị cơ quan công an phát hiện và xử lý trong thời gian qua. Ở đó, nhiều người đẹp, hoa hậu dù tạo cho mình “vỏ bọc” hoàn mỹ nhưng để rồi sau đó làm mọi người “ngã ngửa” khi bị phát hiện tham gia các đường dây mại dâm với số tiền “khủng”.
Mặc dù có quy định những cuộc thi người đẹp không được cấp phép theo kiểu “tự xưng danh hiệu”, đơn vị tổ chức có thể sẽ bị “phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với
hành vi tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng và phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam” (Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).
Tuy nhiên, với số tiền phạt trên dường như cũng chẳng “thấm” vào đâu so với những lợi ích thu lại sau mỗi cuộc thi. Có thể kể đến những cuộc thi gây ồn ào như “Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt”, “Hoa hậu doanh nhân thành đạt hoàn cầu”, “Hoa hậu doanh nhân Việt Nam”, “Hoa hậu tài năng duyên dáng toàn cầu”…Có những cuộc thi được tổ chức chóng vánh, thời gian tuyển chọn và trình diễn chỉ vỏn vẹn 2-3 ngày, có cuộc thi đăng ký cấp phép là buổi trình diễn, nhưng lại là thi nhan sắc núp bóng…
Để thực trạng các cuộc thi Hoa hậu núp bóng hay việc người đẹp Việt “thi chui” không còn diễn ra, ngoài việc các đơn vị chức năng cần tinh thông nghiệp vụ để phát hiện kịp thời những hành vi lách luật khôn ngoan thì việc sử dụng những biện pháp mạnh như ngừng cấp phép hoạt động, liên kết trong thời gian dài với nhưng đơn vị cố tình vi phạm.
Và một biện pháp đường dài nhưng quan trọng là giáo dục cho thế hệ trẻ một lối sống lành mạnh, tôn trọng pháp luật, hướng đến những giá trị cốt lõi của đời sống thay vì những giá trị ảo phù phiếm.