Trong gần 6 năm qua, Chi nhánh Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Văn Minh đã nhiều lần bị kiểm tra và phát hiện hành vi khai thác khoáng sản (đá bazan) trái phép.
Sau gần 6 năm hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản, một doanh nghiệp tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục khai thác, chế biến đá bazan và bán ra thị trường.
Mấy tháng nay, đường liên xã Đắk R’la-Long Sơn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bị các xe tải chở vật liệu xây dựng cày nát, nhất là đoạn đường khoảng 2km từ mỏ đá Tân Sơn (thôn Tân Sơn, xã Long Sơn) đến Tỉnh lộ 3 (nối liền hai huyện Đắk Mil-Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).
Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của hàng trăm hộ dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn. Việc nhiều xe có tải trọng lớn, chở vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải khiến tuyến đường này ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Tiếp nhận phản ánh của các hộ dân, nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Nông đã tiếp cận hiện trường, ghi nhận các hoạt động khai thác, chế biến đá bazan tại mỏ đá thôn Tân Sơn vào các ngày trong tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua.
Tại hiện trường, hệ thống xay nghiền đá của công ty vẫn hoạt động bình thường tại bãi tập kết nằm ven đường liên xã Đắk R’la-Long Sơn với hàng chục mét khối đá xây dựng.
Gần đó, các loại xe múc, xe ủi, xe ben, xe máy đào… vẫn tiếp tục khai thác, vận chuyển, chế biến đá giữa ban ngày, dù hiện trường chỉ nằm cách trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Long Sơn khoảng 3km.
Phần lớn các phương tiện cơ giới khai thác, vận chuyển đá tại đây đều không có biển kiểm soát theo quy định.
Chủ mỏ không sợ… công văn (?!)
Theo Ủy ban Nhân dân xã Long Sơn, đơn vị được cấp phép khai thác đá tại đây là Chi nhánh Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông Văn Minh (gọi tắt là Chi nhánh Công ty Văn Minh, có trụ sở chính tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Công ty này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cấp phép khai thác đá vào năm 2008. Đến ngày 31/12/2014, giấy phép khai thác khoáng sản của Chi nhánh Công ty Văn Minh chính thức hết hạn (theo giấy phép số 19/GP-UBND, ngày 29/8/2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông).
Đến nay, sau gần 6 năm, doanh nghiệp này đã nhiều lần bị kiểm tra và phát hiện hành vi khai thác khoáng sản (đá bazan) trái phép.
Ngành chức năng của huyện, của xã đã nhiều lần ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Giám đốc doanh nghiệp này cũng đã nhiều lần cam kết chấm dứt việc khai thác khoáng sản trái phép. Nhưng đến nay, mọi việc đâu lại vào đấy, đá bazan vẫn bị khai thác, chế biến hàng ngày.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Long Sơn Hoàng Thị Thiệp cho biết xã đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhưng chủ mỏ vẫn tiếp tục hành vi khai thác trái phép, nhất là vào ban đêm, ngày nghỉ nên không kiểm soát hết được.
Xã đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil, cơ quan công an, các ngành chức năng hỗ trợ, có nhiều biện pháp mạnh tay để chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại đây.
Theo Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Đắk Mil, Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định rõ “Trong vòng 6 tháng kể từ khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời hạn này, tài sản còn lại thuộc sở hữu Nhà nước.”
Đối với Chi nhánh Công ty Văn Minh, đến nay đã gần 6 năm nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện di dời, còn tiếp tục khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên, nợ thuế Nhà nước.
Về việc xử lý các hành vi coi thường pháp luật của doanh nghiệp này, báo cáo của Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Đắk Mil nêu rõ Chi nhánh Công ty Văn Minh đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền phạt trong gần 6 năm là 52 triệu đồng (cấp xã từ 3-5 triệu đồng/lần; huyện từ 9-20 triệu đồng/lần). Lần xử phạt nào cũng có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu khoáng sản khai thác trái phép và tổng số khoáng sản bị tịch thu là hơn 60m3 đá.
Lần mới nhất là văn bản số 1250/UBND-TNMT, ngày 14/8/2020 của Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil “về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại các mỏ đá bị thu hồi giấy phép…” do ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil ký. T
Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil yêu cầu Chi nhánh Công ty Văn Minh phải di dời tài sản, phương tiện, máy móc ra khỏi khu vực khai thác mỏ trước ngày 31/8/2020; đồng thời giao các ngành chức năng, chính quyền địa phương xử lý, tham mưu xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Đến nay, công văn mới nhất của Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil đã hết hạn định ngành chức năng nêu rõ là ngày 31/8/2020. Diện tích đất Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho Chi nhánh Công ty Văn Minh thuê để khai thác đá bazan cũng đã bị thu hồi và giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil quản lý. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến đá bazan tại mỏ đá thôn Tân Sơn, xã Long Sơn vẫn… tiếp tục diễn ra.
Trước đó, vào các tháng 3/2020, 11/2019, 1/2019, 12/2018, 7/2017… các ông Trần Văn Thương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil; Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil; Trần Đức Văn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Long Sơn cũng đã ký nhiều công văn, quyết định xử phạt đối với Chi nhánh Công ty Văn Minh… với nội
dung tương tự. Các hạn định cho chủ mỏ đá đều lần lượt trôi qua mà không có gì thay đổi.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Huyến, Giám đốc Chi nhánh Công ty Văn Minh cho rằng khi hết hạn giấy phép vào tháng 12/2014, doanh nghiệp vẫn được ngành chức năng cho phép tận thu, chế biến hơn 20.000 m3 đá đã khai thác trên bãi và đã đóng thuế, phí đầy đủ.
Về việc vẫn khai thác đá khi đã hết hạn trong giấy phép, ông Huyến cho rằng mỏ đá quá lớn, bản thân ông ở thành phố Buôn Ma Thuột nên không quản hết được.
Gần đây, cũng có một số đơn vị, doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh lên khảo sát, thăm dò để sang nhượng lại mỏ đá và việc khai thác là do các đơn vị đó tiến hành.
Cũng theo ông Huyến, Chi nhánh Công ty Văn Minh đang tiến hành các thủ tục để được tiếp tục cấp phép khai thác đá tại đây.
Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Đắk Mil Nguyễn Văn Tuấn cho biết Phòng Tài nguyên-Môi trường đang phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương thiết lập hồ sơ chặt chẽ hơn để yêu cầu Chi nhánh Công ty Văn Minh di dời tài sản ra khỏi khu vực mỏ và chấm dứt hoạt động khai thác đá trái phép.
Nếu doanh nghiệp không thực hiện, ngành chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế, di dời và thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định.