Giải quyết tranh chấp bằng tòa án thường kéo dài phiên xét xử, trong khi đó, thông qua phương án Trọng tài thương mại sẽ rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Ngày 6/11, tại TP.HCM, Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, Hội Trọng tài thương mại TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội thảo: “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại – Sự ưu việt bị lãng quên”.
Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội trọng tài thương mại TP.HCM cho biết, dịch COVID-19 xảy ra kéo dài theo hàng loạt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Các vụ tranh chấp thương mại liên quan đến các lĩnh vự như đầu tư, xây dựng, du lịch,… cũng xảy ra nhiều hơn.
Theo Luật sư Hậu, khi có tranh chấp thương mại, nếu không tự thỏa thuận được, các bên có thể đưa ra tòa án hoặc Trung tâm trọng tài thương mại để giải quyết. Trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài gồm 1 hoặc 3 thành viên, có cơ chế để được đảm bảo thi hành giống như bản án, quyết định của Tòa án.
“So với phương án giải quyết bằng tòa án, Trọng tài thương mại có các ưu điểm như: Thời gian giải quyết nhanh, thủ tục gọn khi chỉ xử một lần thay vì xử nhiều cấp ở tòa án như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm,… nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp”, Luật sư Hậu cho biết.
Ngoài ra, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hoàn toàn bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin cho các bên liên quan đến tranh chấp khi người ngoài tranh chấp và các cơ quan báo chí không được phép tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp nếu chưa có sự đồng ý của Hội đồng trọng tài, giữ được uy tín cho các bên trên thương trường.
Phán quyết của Trọng tài thương mại là chung thẩm và có giá trị thi hành ngay và Hội đồng trọng tài cũng có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giống như tòa án. Khi sử dụng phương án Trọng tài thương mại, các bên tranh chấp có thể trực tiếp chọn Trọng tài viên, có quyền được chọn địa điểm giải quyết tranh chấp trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam, có quyền chọn ngôn ngữ và luật để để áp dụng. Cuối cùng, Trọng tài thương mại có sự công nhận quốc tế với các phán quyết của trọng tài.
Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (Vietnam Lawyer’ Commercial Arbitration Center – VLCAC) được thành lập theo Giấy phép số 12/BTP/GP ngày 14/3/2016 của Bộ Tư pháp, là tổ chức phi chính phủ, độc lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận