Tìm về xóm chạy thận trong những ngày cuối năm, chúng tôi mới thấu hiểu sự quý giá của giây phút sum họp, đoàn tụ gia đình. Bởi lẽ, đó là ước mơ xa vời của nhiều bệnh nhân đang sinh sống tại đây, những người chẳng thể sống xa bệnh viện quá 2 ngày.
Lao đao sau đại dịch COVID-19
Mang trong mình căn bệnh suy thận cấp, bắt buộc phải chạy thận 3 lần mỗi tuần để duy trì sự sống, những cư dân tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) coi bệnh viện Bạch Mai như một ngôi nhà thứ hai. Chính vì vậy, hoang mang, sợ hãi là tâm trạng chung của họ khi nghe tin bệnh viện này được xác định là “ổ dịch” COVID-19 vào thời điểm tháng 4/2020.
Những tưởng, khi dịch bệnh được kiểm soát thì cuộc sống của bệnh nhân chạy thận đã ổn định hơn. Dù vậy, trong lòng họ vẫn đang canh cánh nhiều nỗi niềm chưa có lời giải đáp.
Tâm sự với PV Đời sống & Pháp luật, chị Trần Thị Thuật (40 tuổi, quê Nam Định) cho biết đã gắn bó với xóm chạy thận 14 năm. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Bệnh viện Bạch Mai, chị và nhiều bệnh nhân khác phải chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn để điều trị.
“Trước kia chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai thì được bảo hiểm lo tất cả chi phí, còn bây giờ sang Thanh Nhàn lại phải trả mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Dù đây là số tiền không lớn nhưng đối với những người bệnh như chúng tôi thì thực sự là một vấn đề”, chị Thuật kể.
Chuyển sang một nơi chạy thận khác cũng đồng nghĩa với việc đảo lộn lịch sinh hoạt vốn đã duy trì hàng chục năm: “Tết năm nay chưa biết sẽ chạy thận như thế nào, bởi tôi chưa nắm được lịch làm việc của bệnh viện Thanh Nhàn”. Chị cho biết nếu lỡ mất một ca chạy thận thì cơ thể sẽ rất mệt mỏi, đau nhức toàn thân.
Bắt đầu chạy thận từ năm 2006, sau 14 năm, sức khoẻ của chị Thuật đã suy giảm trầm trọng. Hàng ngày, chị chỉ có thể kiếm được vài chục nghìn đồng từ quán nước nhỏ, công việc mà chị gọi là “làm cho có” vì cũng chỉ giúp trang trải phần nào.
Nhắc đến những ngày Tết, giọng chị Thuật trầm xuống. Đã từ lâu, chị quên hẳn cảm giác quây quần, đoàn tụ bên gia đình dịp đầu năm, bởi đơn giản với bệnh nhân chạy thận thì “chẳng bao giờ được xa bệnh viện quá 2 ngày”.
Nếu muốn được về nhà vào mùng 1 Tết, chị Thuật phải tính toán, thay đổi ca chạy thận sao cho đúng vào ngày 29 Tết, rồi đón chuyến xe về quê vào sáng 30. Nhưng dù có cố gắng thế nào, chị cũng chỉ được về nhà chốc lát rồi lại nhanh chóng lên Hà Nội chạy thận.
Theo lời kể của chị, dù Tết ở Hà Nội nhưng chưa một lần chị đi ra ngoài tận hưởng không khí đầu xuân tại Thủ đô. Sức khoẻ kém, thể trạng cơ thể luôn trong trạng thái “báo động” khiến chị không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ chật hẹp.
“Nhiều lúc mong Tết qua nhanh để đỡ cô đơn”
Là một trong những bệnh nhân cao tuổi nhất ở đây, ông Trần Văn Tặng (67 tuổi) đã mắc bệnh 17 năm, và cũng là từng ấy thời gian ông trở thành công dân “bất đắc dĩ” của xóm chạy thận. Căn bệnh phát tác khi ông đang là một cán bộ của hợp tác xã, khiến ông phải bỏ hết mọi công việc, thậm chí bán nhà để lấy tiền duy trì sự sống.
Giờ đây, ở cái tuổi đáng lẽ phải được sum vầy bên con cháu, ông Tặng vẫn phải bám trụ lại mảnh đất Hà Nội. Ông Tặng có 3 người con đã lập gia đình, công việc bận rộn nên cũng chỉ biết thăm hỏi qua điện thoại. Nỗi đau đáu duy nhất của ông chính là việc không được gần gũi với cháu chắt.
“Ngày Tết vừa về rồi lại phải đi nên lâu dần chẳng muốn về nữa. Những người ở thế hệ của mình giờ thì già rồi, còn ai nữa đâu. Hơn nữa sức khoẻ kém nên cũng ngại đi lại, Tết này chắc tôi cũng ở lại đây thôi”, ông nói.
Với ông Tặng hay cũng như những bệnh nhân khác tại xóm chạy thận, Tết cũng chỉ là một ngày bình thường, thậm chí, không khí rộn ràng, sôi động của phố phường lại khiến họ càng buồn bã hơn.
“Sáng mùng 1 bao giờ cũng là lúc cô đơn, hiu quạnh nhất. Ai cũng được đoàn tụ còn chúng tôi lầm lũi đi chạy thận rồi về nhà đắp chăn cho hết ngày. Nhiều lúc mong Tết qua nhanh đi để không còn bị nỗi cô đơn dày vò nữa”, ông Tặng xót xa.
Dù cuộc sống đã bị cuớp đi tài sản quý giá nhất là sức khoẻ, thế nhưng, có những công dân của xóm chạy thận vẫn giữ được tinh thần vui vẻ, lạc quan. Ông Tặng kể đã từng nghĩ mình không qua khỏi bởi mang trong mình nhiều bệnh nền, thế nhưng khi được các bác sĩ tận tình cứu chữa, đồng thời nghĩ về hai đứa cháu còn chưa “quen mặt” ông, thì người đàn ông 67 tuổi này lại dặn lòng phải tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác cho tới hơi thở cuối cùng.
“Ước vọng năm mới của tôi chả có gì to tát, chỉ mong dịch COVID tiếp tục được kiểm soát tốt để chúng tôi an tâm trị bệnh, đồng thời cầu cho mình vẫn đủ sức để đi lại bình thường, không phải nằm một chỗ là vui lắm rồi”, ông Tặng chia sẻ.
Sự lạc quan còn được thể hiện qua nụ cười của chị Nguyễn Thị Lan (27 tuổi, quê Thái Nguyên) khi chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm ngày Tết. Là bệnh nhân chạy thận đã 4 năm, chị cũng đã trải qua 3 cái Tết không được trọn vẹn bên người thân ở quê nhà. Thế nhưng, tình cảm của những người “hàng xóm” chính là điều giúp chị vượt qua sự tủi thân.
“Đã từ lâu tôi luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Ở đây chủ yếu chỉ có các bệnh nhân san sẻ, giúp đỡ nhau. Ngày Tết mọi người cũng quây quần hát hò, nói chuyện để phần nào vơi đi nỗi buồn”, chị kể.
Rời xóm chạy thận, chúng tôi không khỏi cảm thương, xót xa cho tình cảnh của những con người nơi đây. Năm hết, Tết đến, mong rằng họ sẽ luôn giữ được tinh thần, sức khoẻ để tiếp tục chống chọi với bệnh tật.