Dư luận lại một lần nữa vô cùng bức xúc trước vụ việc bé gái 6 tuổi bị người cha bạo hành dã man ở Bắc Ninh, từ đó cho thấy nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam đang là vấn đề nan giải cần tháo gỡ.
Những đứa trẻ không an toàn trong chính nhà mình
Ngày qua, dư luận cả nước đang vô cùng phẫn nộ và bức xúc xoay quanh vụ bé gái 6 tuổi ở Bắc Ninh bị bố đẻ và người tình đánh đập dã man. Đáng tiếc, vụ việc trên không phải là hi hữu bởi đã có rất nhiều vụ cha mẹ bạo hành chính con ruột của mình trên cả nước thời gian qua khiến dư luận bất bình, lên án.
Cụ thể, khoảng 8h ngày 5/9, Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nhận được tin báo của bà Lê Thị Hương, 78 tuổi, ở khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng về việc tại nhà con trai bà là Đặng Trung Kiên, 47 tuổi, có tiếng gào thét, cầu cứu của cháu nội là Đặng Ngọc Anh, 6 tuổi (con gái của Kiên).
Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã có mặt để giải cứu và đưa cháu Ngọc Anh vào viện cấp cứu.
Tại BV Đa khoa thị xã Từ Sơn, theo kết luận của bác sỹ, khắp cơ thể cháu Ngọc Anh có nhiều vết bầm tím, trong đó tập trung nhiều ở vùng lưng; cánh tay phải gãy 1/3 giữa xương.
Cũng hành vi tương tự như trên, vài ngày 31/5, một bé gái 11 tuổi đã bị mẹ và ông ngoại trói tay, đánh, “bêu” ngoài đường Quốc lộ 1 (ở Quảng Bình) vì nghi cháu lấy trộm tiền.
Dư luận cũng chưa thể nguôi ngoai về vụ bạo hành dã man của mẹ ruột và bố dượng khiến một bé gái (4 tuổi, trú tại Hà Nội) tử vong vào tháng 4-2020 vừa qua. Hay vụ người cha ở quận 9, bạo hành con ruột 4 tháng tuổi đến xuất huyết não, gãy chân (vào tháng 2-2020).
Gần 70% trẻ em Việt Nam từng bị bạo hành bởi bố mẹ
Theo Unicef Việt Nam, có tới 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.
Đâu đó quanh ta, vẫn tồn tại vô số những trường hợp khác tương tự, đang từng ngày đe doạ, xâm hại trẻ thơ bằng nhiều hình thức ở bất cứ môi trường nào, đặc biệt trong chính căn nhà nơi các em sống.
Không ít gia đình hiện nay vẫn áp dụng phương pháp dạy con bằng roi vọt. Mức độ nặng, nhẹ tùy thuộc vào mức độ sai phạm của các em. Vẫn biết nuôi dạy con cái là chuyện riêng của mỗi gia đình. Thế nhưng, giáo dục, kỷ luật bằng hình thức bạo lực cần phải được xã hội nhìn nhận gay gắt như một tội ác.
Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi. Ngăn chặn và ứng phó với bạo hành trẻ em là thắt chặt hơn nữa hệ thống pháp luật. Bổ sung thêm một số điều luật riêng biệt có sức nặng về pháp lý, như một cách lên tiếng để bảo vệ các em trước mầm mống bạo lực từ chính người nuôi dưỡng chúng.Thậm chí, nếu có thể, hãy tước quyền làm cha mẹ khi xét thấy có hành vi vượt tầm kiểm soát, bạo hành tàn nhẫn. Bởi lẽ lúc đó, bản thân những bậc làm cha làm mẹ đã không còn đủ tư cách để nuôi dưỡng và giáo dục các em như mọi cha mẹ bình thường khác.
Đối với hành hành vi bạo hành trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hình thức xử lý Tội hạnh hạ người khác như sau: 1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; c) Đối với 02 người trở lên. |