Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình dân tộc Hà Nhì (ở huyện Mường Tè, Lai Châu) đều mổ lợn để ăn mừng năm mới. Khi mổ, người Hà Nhì sẽ giữ lại lá gan để xem bói giống như một số người Kinh xem bói bằng chân gà.
Tết cổ truyền của người Hà Nhì còn gọi là Hồ Sự Chày. Người Hà Nhì không ấn định ngày nhất định hằng năm để ăn tết, mà do các già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm, dựa trên các yếu tố thời tiết, khí hậu, mùa màng mà đưa ra ngày cụ thể.
Thời điểm đó là lúc nông nhàn, vì mọi công việc đồng áng của vụ trước đã thu hoạch xong xuôi, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, còn vụ sau thì chưa tới.
Thông thường, Tết cổ truyền diễn ra vào khoảng tháng 11 dương lịch, đầu tháng 10 Âm lịch. Tết được tổ chức trong 3 ngày, bắt đầu vào ngày Thìn trong tháng. Do trong tháng có nhiều ngày Thìn nên trưởng bản, già làng sẽ tính chọn ngày Thìn nào mà để ngày âm và ngày dương không cách nhau quá 1 tháng.
|
Những cô gái đồng bào dân tộc Hà Nhì. (Ảnh: Báo công thương.) |
Vào dịp này, các gia đình của người đồng bào dân tộc Hà Nhì sẽ lựa chọn những con lợn to khỏe nhất để thịt.
Việc mổ lợn sẽ được các gia đình thi nhau mổ vào lúc đầu canh ba, vì người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần mà được ngày thì sang năm sẽ phát tài, phát lộc.
Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế, những con lợn mổ tết thường là những con lợn đã được chủ nhà dày công chăm sóc trong cả năm, nhiều con nặng tới hơn một tạ.
Trong quá trình mổ lợn, người Hà Nhì chú ý giữ gìn phần gan của con lợn một cách cẩn thận, vì phần gan này là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Hà Nhì.
Theo các cụ cao niên thì khi xem gan lợn nếu phát hiện lá gan lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy…, thì năm đó chăn nuôi phát triển, nhà cửa êm ấm, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.
|
Tục bói gan lợn của người Hà Nhì. (Ảnh: Báo Công lý) |
Người đồng bào dân tộc Hà Nhì ăn Tết trong khoảng một tuần. Trong suốt quãng thời gian này, người đồng bào Hà Nhì gần như không ngủ, khắp bản làng đâu đâu cũng tưng bừng, rộn ràng. Những chàng trai, cô gái người Hà Nhì sẽ cùng nhau khoe những bộ trang phục truyền thống đặc sắc nhất. Người người, nhà nhà khắp bản làng cùng nhau ngồi lại bên mâm rượu ấm cúng, ôn lại với nhau những kỷ niệm hay kể cho con cháu nghe về các câu chuyện của dòng tộc mình.
Các thôn bản còn tổ chức giao lưu văn nghệ, thi đấu kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tù lu (đánh cù) vào dịp Tết Nguyên đán.