Từ xa xưa, người Ê Đê tin rằng, cho dù lúa trên đồng được mùa, gặt về chất đầy nhà, nhưng nếu không làm lễ cúng hồn lúa, sẽ khiến cho hồn lúa… buồn, không ở lại với gia đình nữa mà bỏ đi mất.
Lễ cúng hồn lúa là một lễ cúng mang tính gia đình nhưng cực kỳ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Ê Đê.
Suốt một ngày chuẩn bị lễ vật
Lễ cúng hồn lúa là một lễ cúng mang tính gia đình nhưng cực kỳ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Ê Đê.
Phần quan trọng nhất của lễ cúng hồn lúa thường diễn ra khi trời sẩm tối, nhưng suốt ngày hôm đó, những người đàn ông trong gia đình và bà con họ hàng tề tựu đông đủ tại nhà gia chủ để chuẩn bị, bày biện và sắp sẵn các lễ vật. Họ tiến hành mổ heo, mổ gà, dựng cột gơng, buộc chóe rượu cần, đong đầy nước suối vào các chóe, vại trong không khí hân hoan, náo nức.
Chuẩn bị cho lễ cúng là thầy mo của làng. Thầy đại diện cho buôn làng cử hành những nghi thức cúng tế, làm nhiệm vụ giao tiếp và chuyển lời cầu khẩn của buôn làng đến thần linh.
Thầy cúng cũng tham gia cùng gia chủ chuẩn bị riêng một mâm gồm thúng gạo được giã trắng tinh, một thúng thịt heo luộc cắt ra thành từng phần, đem bày sẵn dưới sàn ngôi nhà rông trước bộ gùi và chóe rượu cổ của gia chủ. Khi mặt trời tắt hẳn, khách khứa lục tục kéo đến cũng là lúc nghi thức cúng hồn lúa bắt đầu. Thầy cúng lấy chén đồng cổ đã lên teng xanh bóng, chắt rượu cần ở cái chóe lớn nhất buộc ngay cột gơng, pha vào chén rượu một ít huyết con heo cúng để sẵn dưới sàn nhà.
Lễ cúng hồn lúa
Lễ cúng hồn lúa không thể thiếu cồng chiêng. Đám trai tráng trong buôn làng bày sẵn bộ chiêng trên chiếc ghế dài kpan, chỉnh âm, treo chiêng lên xà nhà, rồi phân vai người đánh chiêng, trống cho buổi cúng. Người Ê Đê tin rằng, những giai điệu cồng chiêng trong không gian buôn làng chính là sợi dây vô hình nối kết con người với thần linh.
Lễ cúng bắt đầu sau một hồi chiêng trống ngân vang, thầy cúng đưa nữ gia chủ vào gian bếp, cho ngồi trước mâm cúng, và thay mặt cho nữ gia chủ đọc những lời khấn nguyện tỏ lòng biết ơn đến các vị thần trong vùng: “Ơ Yàng, nay lúa đã gặt, heo đã mổ, rượu đã đầy, mời các Yàng hãy cầm cần rượu, ăn miếng thịt heo, mong Yàng cho mùa lúa sau sai bông, mẩy hạt, gặt đầy gùi, đựng ngập kho…”
Dàn cồng chiêng tiếp tục ngân vang. Chén rượu cần pha huyết con vật hiến tế được thầy cúng đem đi rảy từ cầu thang, kho lúa, đến các vật dụng khác trong nhà với niềm tin được chúc phúc, cầu bình an và may mắn cho gia đình.
Trong nghi thức cúng hồn lúa, nữ chủ nhà là nhân vật chính vì người Ê Đê theo mẫu hệ. Và người nữ trong gia đình cũng là người giữ gìn kho lúa, giữ bếp lửa, vì vậy vai trò của họ rất quan trọng, đại diện cho gia đình đặt mối liên kết với hồn lúa thông qua thầy cúng.
Sau những lời khấn nguyện, chúc phúc, nữ gia chủ được thầy cúng mời đến chóe rượu, vít cần rượu đầu tiên để chính thức mở màn cho buổi tiệc mừng, bước tiếp đến chóe rượu là người chồng và những người nữ khác trong gia đình, họ hàng, dòng tộc.
Theo Vinasea Travel