Trong bối cảnh môn Lịch Sử tại Kỳ thi THPT Quốc gia có điểm trung bình thấp nhất, chiều 18/7, Bộ GDĐT đã tổ chức tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông.
“Đổi mới dạy và học môn Lịch sử là tất yếu nhưng đổi mới thế nào để môn học trở nên gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo ông Nhạ, Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông. Vấn đề là làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đội ngũ giáo viên các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động môn Sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học sử phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh.
Là nhà nghiên cứu Lịch sử nổi tiếng, GS.TS Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn Sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng… nên học sinh rất sợ, khó nhớ.
“Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động” – GS. Giang nhìn nhận.
Tuy nhiên, GS Vũ Minh Giang cũng thừa nhận, đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn Sử, “nó có độ trễ, sự “đông cứng” trong chính các thầy cô giáo, chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành Sử”, chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích Sử”.
Theo GS. Giang, cách học và cách thi môn Lịch sử hiện nay có độ chênh đáng kể. Ông lí giải, kết quả cao hay thấp từ một kỳ thi chưa chắc đã do trình độ học sinh mà còn do đề thi. Việc ra đề thi Lịch sử mấy năm qua đã tiếp thu rất nhanh, chạy rất nhanh đổi mới nhưng người học có độ trễ vì vẫn học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được với đề thi này. Cần phải có lộ trình từng bước một.
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử.
Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS. Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, tính hấp dẫn phải có, đổi mới sách giáo khoa phải làm điều này, chữ nghĩa ít thôi, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gợi mở, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Khi Lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.
Đưa ra ví dụ ở Canada khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ, PGS.TS Vũ Quang Hiển, Giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, bên cạnh đổi mới chương trình, phương thức đánh giá, có cách nào đổi mới vị thế đặc thù môn Lịch sử được không?
Xóa bỏ tâm lý “môn chính – môn phụ”!
Là người có nhiều năm phụ trách bộ môn Lịch sử cấp THCS và THPT, ông Xuân Trường, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho rằng, cần có một cuộc “cách mạng” trong nhận thức từ cán bộ quản lý, sở, phòng, hiệu trưởng, tổ bộ môn để chỉ đạo sát sao hơn với môn Lịch sử trong nhà trường, tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Không đặt nặng yêu cầu về nội dung chương trình môn Lịch sử, theo cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), nội dung chương trình chỉ là một phần, quan trọng là giáo viên biết lựa chọn kiến thức nào để truyền tải đến học sinh, cách truyền tải, cái hồn của thầy cô giáo được gửi gắm trong bài giảng.
Mong mỏi lớn nhất của cô Huyền cũng như nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử hiện nay là được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết và được tạo môi trường thuận lợi để giáo viên Lịch sử có động lực giảng dạy.
Xóa bỏ tâm lý “môn chính – môn phụ” trong dạy và học lịch sử.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây sẽ là những gợi mở cần thiết để Bộ GDĐT có những điều chỉnh, chỉ đạo trong thời gian tới về cả cách dạy, cách học, cách thi của môn Lịch sử. “Trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế “độ trễ, độ vênh” giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới” – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho giáo viên, nếu giáo viên còn tâm lý “môn chính – môn phụ” thì khó đổi mới được. Bộ GDĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắ
n chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính – môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính – môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này.
Trong những ngày tới, Bộ GDĐT sẽ tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GDĐT toàn quốc. Những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn Lịch sử.
Theo Sức khỏe & Đời sống