Những đứa trẻ sớm được người lớn tập cho ăn ớt khi còn rất nhỏ. Văn hóa ăn ớt cay đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nơi này. Nó quen thuộc như việc “ăn cơm, uống nước” hàng ngày vậy.
Nhắc tới vị cay là nói tới nét ẩm thực riêng ở khu vực phía tây Trung Quốc, từ Tứ Xuyên, Thiểm Tây tới Quý Châu… Vị cay thường xuyên xuất hiện trên các món ăn, từ ớt cay cho tới hạt tiêu cay nồng.
Ớt có nguồn gốc từ châu Mỹ, du nhập sang Trung Quốc cuối thời Minh. Ban đầu từ việc làm thuốc, người Quý Châu dùng nó trong ẩm thực rồi lan sang những vùng xung quanh.
Xiazi từ lâu trở thành “Thị trấn ớt” nổi tiếng ở Trung Quốc. Những đứa trẻ tại đây được người lớn cho ăn ớt từ khi còn rất nhỏ, hình thành thói quen ăn cay cho tới khi lớn lên.
Hơn cả một loại gia vị, ớt trở thành thứ không thể thiếu trong mọi bữa ăn của người dân. Họ ăn cay 3 bữa mỗi ngày, đều đặn mọi ngày trong năm. Du khách tới những bàn ăn ở Xiazi đều thấy sự góp mặt của ớt, cho dù đó là ớt khô, làm tương hay xào nấu. Đến những cánh đồng trồng ớt, người ta sẽ thấy đủ chủng loại, từ loại ớt chuông cho tới ớt đỏ cay xé lưỡi.
Thị trấn Xiazi cũng là thị trường sản xuất ớt khô lớn tại Trung Quốc, khi xuất ra hàng tấn ớt khô mỗi năm. Ớt ở Xiazi có nhiều loại, nhưng đều mang hương vị đặc trưng của vùng đất Quý Châu. Không chỉ có vị cay đặc biệt, ớt ở đây còn có vị chua khác lạ.
Hàng ngày, những công nhân trong xưởng có thể chế biến thủ công 90kg ớt khô với nhiều công đoạn như chọn lựa, phân loại, cắt ớt… Ớt khô thành phẩm được đóng gói rồi xuất khẩu khắp thế giới.
Theo Hoàng Hà/Dân trí