Cho dù có lục tung cả trăm, cả nghìn thư viện trên thế giới này thì tôi cũng không bao giờ tìm được câu trả lời thế nào là “đàn ông chất”. Trong suy nghĩ của độc giả như thế nào là một người “đàn ông chất”?
Theo độc giả, thế nào là một người “đàn ông chất”, một người đàn ông đích thực
Xưa nay trọng nhận thức của nhiều người Việt, đàn ông chất là người đàn ông thành đạt trong xã hội. Họ phải có địa vị, có sự nghiệp vững vàng. Người ta chưa bao giờ thôi trầm trồ về những người đàn ông bước ra từ xe sang, nhà lầu hay biệt thự sang trọng nào đó. Những người đàn ông như vậy rất dễ trở thành “hình mẫu lý tưởng” của phái nữ. Chẳng cần “trâu đi tìm cọc” mà ngay cả khi họ ngồi một chỗ, vác chân rung đùi thì cọc cũng chủ động đi tìm trâu.
Thế nhưng, cuộc sống của chúng ta luôn hàm chứa những điều bất ngờ. Có những người đàn ông không có bất cứ tài sản nào trong tay song vẫn có những người phụ nữ chấp nhận và yêu thương họ bằng tất cả tấm chân tình. Phải chăng những người phụ nữ này là “khác người”?
Tôi chưa bao giờ nghĩ họ khác với những người phụ nữ khác. Bởi vì mỗi người trong xã hội sẽ có một nhân sinh quan, một góc nhìn riêng, không ai là giống ai. Và chúng ta không thể áp đặt quan điểm của mình đối với từng cá nhân, cá thể giữa cái rốn mênh mông của vũ trụ này.
Có thể người đàn ông mà họ yêu không có bất cứ tài sản nào trong tay nhưng họ có những cái vốn quý khiến các chị em phải nể phục. Với tôi, bản thân của người đó đã là một tài sản và tài sản ấy là vô giá. Cho dù bạn có nhiều tiền đi chăng nữa bạn cũng chẳng bao giờ mua nổi một con người. Người ta gọi đó là lòng tự trọng và phẩm chất của một người đàn ông đích thực.
Đừng nghĩ rằng những người phụ nữ kia là dại là không có mắt nhìn. Có những người phụ nữ chấp nhận đồng hành cùng một người đàn ông từ khi họ không có gì trong tay đến khi họ thành đạt và có vị thế trong xã hội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người đời thường nói câu cửa miệng “phía sau người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”.
Đàn ông “chất” không phải từ đầu họ đã “chất”. Họ cũng phải trải qua những ngày tháng “nằm gai nếm mật”, gồng gánh trọng trách của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Không ai bảo ai, không ai khoác cái xiềng xích trách nhiệm cho họ ở trên vai nhưng chính bản thân họ thấy mình cần có trách nhiệm với gia đình và xã hội với tư cách là phái mạnh.
Từ xưa đến nay, ông cha ta luôn quan niệm: đàn ông là phái mạnh, rắn rỏi như “tùng, cúc, trúc, mai”, phụ nữ là phái yếu nhẹ nhàng, yếu ớt như “liễu yếu đào tơ”. Đã là đàn ông thì không bao giờ được khóc, khóc là yếu đuối là nhu nhược đó là lời răn dạy của không biết bao vị phụ huynh dành cho đấng nam nhi từ khi lọt lòng cho đến lúc trưởng thành.
Những quan niệm đó vô tình hay hữu ý đã trở thành “vòng kim cô” khiến họ không dám sống theo bản năng. Có ai biết rằng đàn ông cũng là một người bình thường, họ cũng có khối óc, trái tim và huyết quản. Họ chẳng được tạo ra bằng đất đá, bằng sắt thép, hà cớ gì xã hội bắt họ phải rắn rỏi trong mọi hoàn cảnh.
Tôi không cười nhạo những người đàn ông biết khóc mà tôi trân trọng và tự hào về họ. Họ đã dám thể hiện cảm xúc chân thật của bản thân, dám vượt qua ranh giới của định kiến để bộc lộ bản ngã.
Có những người đàn ông không dám khóc trước mặt vợ mình mà phải tìm người phụ nữ khác bên ngoài, có những người đến lúc phá sản không có gì trong tay vẫn không dám thổ lộ với vợ vì sợ vợ coi thường…Hóa ra đàn ông cũng có điểm yếu và điểm yếu của họ là ngại chia sẻ, nói đúng hơn là họ ngại ánh mắt của người đời.
Nhiều người đàn ông muốn bắt tay vào bếp nấu ăn, quét rác, dọn nhà, đỡ đần vợ, thế nhưng, họ sợ mang tiếng “đàn ông mặc váy”, đàn ông sợ vợ nên đành thôi. Và rồi những câu chuyện bi hài hay bi lụy cũng từ đó mà sinh ra trong từng “não trạng” của từng gia đình.
Nếu đàn ông không nói ra, ngại chia sẻ thì người phụ nữ cần đủ sự tinh tế, sự khéo léo để trở thành người bạn tâm giao của chồng. Đừng bao giờ coi chồng là cây ATM rút tiền, đừng biến chồng thành một công cụ thỏa mãn dục vọng cá nhân của mình. Nói như GS Cù Trọng Xoay, các anh chàng thường bị cuốn hút bởi những người phụ nữ độc lập.
Dẫu nền văn hóa Á-Đông đã vinh dự mang cho họ sứ mệnh “người đàn ông trụ cột của gia đình” cũng không có nghĩa người phụ nữ được lơ là đi trọng trách chia sẻ và giảm tải áp lực cho chồng. Nếu không giúp đỡ chồng được về tài chính thì người phụ nữ phải là hậu phương vững chắc cho chồng trong mọi hoàn cảnh. Phái yếu nên thông cảm cho chồng những lúc về muộn, rượu say, bởi cái thú vui ấy nhiều lúc cũng chỉ là “cuộc đọa đày” trên bàn ngoại giao mà thôi.
Ngược lại người đàn ông cũng nên thấu cảm cho những gắt gỏng, cau có của người phụ nữ. Chỉ riêng họ đã phải đối mặt với hàng nghìn việc không tên từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Ngày nay phụ nữ hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ với người đàn ông. Họ có thể vươn lên những vị thế cao trong công việc không hề kém cạnh đấng mày râu.
Người chồng phải biết động viên, cổ vũ vợ mình vươn lên đỉnh vinh quang của tri thức, đừng vì lòng tự ái hay tự ti “con gái học cao”, “là chồng mà thua vợ” để rồi chèn ép buộc vợ đánh mất cơ hội của mình. Xã hội ngày nay không hiếm những người chồng như thế. Và tôi nghĩ rằng đó là những người đàn ông yếu đuối cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Như thế nào là đàn ông chất để cắt nghĩa làm rõ khái niệm này có lẽ trong khuôn khổ trang giấy này là không đủ. Nhưng tôi có thể tóm gọn rằng: đàn ông chất hay không chất hoàn toàn phụ thuộc vào cách đánh giá của mỗi người. Nếu vợ bạn coi bạn là đàn ông chất thì bạn là đàn ông chất kể cả người ngoài xã hội xem bạn chả ra gì. Chỉ cần người bạn đời tin yêu xem bạn là người đàn ông đích thực thì bạn đã thành công rồi đấy.
Thực hiện: Mai Hương