Ngày trẻ, đám cưới của vợ chồng ông Lĩnh tổ chức vội vã trong bối cảnh chiến tranh. 50 năm sau, ông dành tặng vợ một đám cưới đặc biệt.
Đám cưới sau nửa thế kỷ chung sống
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh (SN 1946, quê Yên Bái) từng học Trung cấp nghiệp vụ Lâm nghiệp. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, ông gặp gỡ bà Nguyễn Thị Yến (SN 1946 – Việt kiều Thái Lan, trở về Hà Nội). Hai người học cùng trường, làm bạn một thời gian dài và giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn.
Lúc này giữa họ chỉ là tình bạn vô tư, chưa hề nảy sinh tình cảm đôi lứa. Kỳ thực tập kéo dài ba tháng trên Phú Thọ trước khi tốt nghiệp, hai người được ghép cùng tổ.
Thời gian thực tập, ông Lĩnh bị ốm nặng. Bà Yến là người nấu cháo, thay giặt, thuốc thang cho ông Lĩnh đến khi bình phục. Tình yêu giữa hai người bắt đầu chớm nở từ đó.
Sau khi ra trường, bà Yến về Tổng cục Lâm nghiệp (Hà Nội) làm việc. Ông Lĩnh được phân công về Lâm trường Phong Dụ (Văn Yên, Yên Bái). Ngày cầm quyết định công tác, ông bà về ra mắt gia đình hai bên.
Tháng 02/1967, bố ông Lĩnh đưa hai con ra Ủy ban nhân dân xã đăng ký kết hôn. Thủ tục đăng ký kết hôn xong cũng là lúc vợ chồng tạm biệt nhau.
Hai tháng sau, đám cưới được tổ chức tại Hà Nội. Trước ngày cưới, ông xin cơ quan nghỉ 2 ngày, vượt quãng đường 200km, từ Yên Bái về Hà Nội bằng chiếc xe đạp mượn của người bạn.
“Do giặc Mỹ ném bom, đường tàu bị phá nên tôi phải đạp xe từ Yên Bái về Hà Nội. Tôi đạp ròng rã cả đêm, tối hôm sau mới về đến nhà vợ”, ông Lĩnh nói.
Tối muộn, bà Yến đón chồng với mâm cơm đạm bạc. Chặng đường phía trước còn gian nan nhưng từ đây, cuộc đời họ đã có bạn đồng hành.
Ngày 30/4/1967, đám cưới của ông bà diễn ra trong căn nhà cấp 4 của gia đình nhà gái ở Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Khi biết tin con trai lấy vợ, bố ông Lĩnh ngậm ngùi: “Chiến tranh khốc liệt, bố mẹ không có gì cho 2 con”. Thứ quý giá dành cho đám cưới con trai là cân chè ướp hoa ngâu do cụ tự làm.
“Tiệc cưới của chúng tôi không có cỗ bàn, không có hoa cô dâu, không chọn ngày lành tháng tốt như truyền thống. Vì thời chiến, thu xếp được ngày nào là tổ chức. Cỗ cưới chỉ có bánh quy và trà”, ông Lĩnh nhớ lại.
Tại lễ cưới, vị chủ hôn vừa dứt lời tuyên bố lý do, còi báo động vang lên, có máy bay Mỹ vào bắn phá Hà Nội. Toàn bộ thành phố tắt điện. Góc trời phía huyện Đông Anh rực lửa vì bom.
Căn phòng chìm trong bóng tối. Mọi người thì thầm trò chuyện. Hơn nửa giờ sau còi báo yên mới có điện. Và “tiệc cưới” lại tiếp tục. Mọi thủ tục diễn ra trong vòng một tiếng.
Suốt những năm tháng hôn nhân, ông Lĩnh đau đáu nghĩ về ngày đó. Ông trách bản thân đã không cho vợ được một đám cưới đúng nghĩa.
Kỷ niệm 50 năm ngày cưới của hai vợ chồng. Ông quyết định tổ chức “đám cưới vàng” với đầy đủ lễ nghi cho mình và vợ.
Ông dành số tiền tiết kiệm được để tổ chức. Mọi công tác chuẩn bị từ treo phông, trang trí, loa đài, thuê thợ chụp ảnh, lên chương trình cho lễ cưới đều do ông Lĩnh lo liệu. “Tôi đi đặt nhẫn cưới, may tặng bà ấy bộ áo dài và đặt tiệc tại một nhà hàng. Phông cưới, tôi nghĩ ý tưởng, nhờ thợ thiết kế”.
Riêng hoa cưới, các con ông tặng cho bố mẹ. Ngày tổ chức “đám cưới vàng”, ông Lĩnh mặc bộ quần áo mới, dậy từ sớm ra hội trường.
Ông còn cẩn thận là lượt giúp vợ bộ áo dài, dặn vợ trang điểm cho đẹp. “Cảm giác háo hức như lần đầu cưới vợ”, ông Lĩnh xúc động chia sẻ.
Giây phút trọng đại, trước sự chứng kiến của con cái, cháu chắt và người thân hai bên, ông Lĩnh trao cho vợ chiếc nhẫn cưới.
“Vợ chồng tôi suốt bao nhiêu năm không có nhẫn cưới. Nay, mới được “đeo vòng kim cô””, ông lão 74 tuổi mỉm cười nói.
Hôn nhân hạnh phúc không có nghĩa là bình yên
Hơn 50 năm qua, hai vợ chồng ông có cuộc sống hạnh phúc, sinh được 3 người con. Ông bà còn nhận thêm 1 người con nuôi. Nay, tất cả đều thành đạt, có vị trí trong xã hội.
Những năm đầu hôn nhân, cuộc sống của ông bà cũng đầy lo toan. Ông Lĩnh chuyển công tác từ Yên Bái về Hà Nội cho gần gũi gia đình.
Thời bao cấp, lương hai vợ chồng thấp vì học hệ trung cấp. Các con lần lượt ra đời, kinh tế càng thiếu thốn.
“Ngày ấy, tôi đi 20 km mới mua được củi, mùn cưa về đun. Nhiều lúc con cái ốm đau vợ chồng tôi không có ti
ền mua thuốc”, bà Yến kể.
Để cải thiện đời sống, hai vợ chồng bà Yến thường xuyên thức đêm đánh máy và in tài liệu cho các cơ quan, kiếm thêm thu nhập.
Ông Lĩnh trải lòng, cuộc sống tất nhiên có va chạm nhưng hai vợ chồng luôn cố gắng tìm tiếng nói chung, để giữ nếp nhà và làm tấm gương cho con cháu noi theo.
Theo ông, bí quyết gìn giữ hôn nhân của mình là nhường nhịn và thấu hiểu. “Vợ giận thì tôi tránh đi, bao giờ nguôi lại về trêu vài câu cho bà ấy cười. Như thế làm sao cãi nhau được”, ông Lĩnh nói.
Người đàn ông sinh năm 1946 chia sẻ, cuộc hôn nhân hạnh phúc không có nghĩa là bình yên.
“Bất cứ cặp vợ chồng nào cũng từng trải qua giai đoạn khủng hoảng. Thế nhưng, nếu thực sự thấu hiểu và khao khát dựng xây, mọi sóng gió sẽ qua”, ông Lĩnh khẳng định.
Ông Lĩnh cho biết thêm, bố mẹ bà Yến quê gốc ở Hà Nam, tản cư sang Lào từ những năm 20 của thế kỷ trước.
Bà Yến được sinh ra ở Viêng Chăn, rồi theo gia đình qua Thái Lan sinh sống. Năm 1958 bố bà Yến qua đời.
Năm 1960 theo chủ trương hồi hương, mẹ bà Yến cùng con, cháu về Việt Nam. Tuy nhiên, mộ chồng vẫn để bên đất Thái.
Khi hai vợ chồng tuổi cao, ông Lĩnh bàn với bà Yến, chuyển hài cốt bố vợ về Việt Nam, tiện chăm sóc mộ phần.
Năm 2015, ông Lĩnh cùng con gái út sang Thái Lan. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Công việc bốc mộ và hỏa táng chỉ diễn ra trong 2 ngày. Trải qua 2 chặng bay ông Lĩnh đưa được tro cốt bố vợ về Tổ quốc, an táng tại quê nhà.
“Ông Lĩnh luôn hết lòng với gia đình như vậy. Bất kể việc gì ông ấy cũng xử lý khoa học và nhanh gọn. Đó cũng là điểm khiến tôi cảm phục và yêu thương chồng”, bà Yến tâm sự.