Có vẻ ngoài đen đúa, ngộ nghĩnh, song bên trong củ ấu lại trắng ngần, vị ngọt bùi, là món ăn vặt một thời của trẻ con.
Vài tuần trước tôi có dịp về thăm quê. Tôi thích cảm giác mỗi khi xe chạy ngang xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp hay trên tuyến đường đi tỉnh ngang Vĩnh Long. Hình ảnh từng túp lều nhỏ ven đường, nhiều nồi ấu to đùng đang nghi ngút khói, cạnh đó là những túi củ ấu còn nóng hổi, khiến tôi nhớ mãi. Đó không chỉ là một món ăn đã gắn liền với tuổi thơ, không chỉ riêng tôi, mà có lẽ còn là ký ức của biết bao thế hệ.
Hồi còn nhỏ, mỗi khi mẹ đi chợ thường mua về cho tôi nhiều món ăn vặt như khoai lang, khoai mì, khi lại là cái bánh cam hay trái chuối nướng… Tôi thích lắm và xem như đó là món quà thật quý. Trẻ con mà, ba mẹ mua cho thứ gì mà chẳng thích, miễn sao no bụng là đủ vui rồi!
Trong số những món ăn dân dã mà mẹ vẫn hay mua về làm quà cho tôi còn có củ ấu luộc. Thật lạ. Tôi cứ thắc mắc và hay hỏi mẹ, cái củ gì mà có vẻ ngoài xấu xí, đen nhẻm, hai sừng cong nhọn như sừng trâu, trông thật ngộ nghĩnh. Mẹ tôi bảo, đó là củ ấu nằm trong thân một loại cây phát triển và sinh trưởng tốt ở một vài tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cây ấu cùng họ với sen, súng bởi nó thích nghi tốt với ao đầm và những chân ruộng có nước quanh năm. Ấu là một loài thân đốt, lá hình tròn, có mép răng cưa nổi trên mặt trước và củ ấu mọc ra từ trong thân… Mẹ nói tuy vẻ ngoài của củ ấu xấu xí nhưng bên trong lại chứa đựng nhiều tinh bột trắng ngần, mùi thơm và vị ngọt bùi đặc trưng.
Củ ấu không phải là món ăn để no bụng, mà chỉ để thưởng thức từ từ, chậm rãi. Trước khi ăn ấu, bà tôi có dặn, khi cắn củ ấu bằng răng phải thật cẩn thận, để gai ấu không đụng vào nướu hay lưỡi, dễ bị trầy xước. Củ ấu già sẽ cho vị bùi đặc trưng, kích thích vị giác. Làm theo cách của bà, chị em tôi cứ thế mà chậm rãi thường thức từ củ này sang củ khác, đến sạch một rổ ấu lúc nào chẳng hay. Sau khi ăn củ ấu xong, hai bàn tay và miệng đứa nào cũng dính màu đen thui của vỏ ấu. Bà tôi còn dặn dò thêm, vỏ ấu sau khi ăn phải gom lại cẩn thận, phơi khô để dành nhóm bếp hoặc đốt đi. Vì nếu không cẩn thận, gai ấu khô đâm vào chân tay, sẽ mắc luôn trong da thịt, gây nên chảy máu và đau nhức.
Bên cạnh ấn tượng bởi hương vị, chị em tôi còn mê những trò chơi thú vị từ củ ấu. Có khi chúng tôi dùng tay quẹt vào màu đen của vỏ ấu rồi trét lên mặt nhau. Đứa nghịch hơn thì dùng nửa vỏ ấu đã cắn làm đôi để gắn vào từng ngón tay, giả làm “bàn tay quỷ” nhát những đứa còn lại. Trong khi đó, những củ nào cứng và to hơn, mấy em trai lại dùng tăm khoét lỗ làm thành sáo để thổi ngân nga những giai điệu không đầu không đuôi, vang khắp cả xóm làng.
Thời đó, vì mùa ấu quá ngắn, nên những người chuộng thứ quà vặt dân dã này như tôi lại tranh thủ ăn cho thỏa cơn thèm. Nhưng giờ đây, không khó để tìm mua củ ấu ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, bởi người nông dân có thể trồng 3 vụ, mỗi vụ kéo dài suốt 3 tháng. Tuy đen đủi, xấu xí là thế, ấy vậy mà củ ấu vừa là món ăn ngon, vừa mang lại nguồn thu nhập cho những người dân nghèo ở một vài tỉnh miền Tây quê tôi. Ngoài luộc chín để thưởng thức như một thứ quà vặt, ngày nay, củ ấu còn có thể biến tấu thành nhiều món ngon như nấu canh, hầm xương, nấu chè… được nhiều người ưa thích.
Theo Dân Việt