Công an triệu tập công dân qua nhắn tin, gọi điện thoại hoặc thông qua người khác đều là trái với quy định của pháp luật. Người dân sẽ không có nghĩa vụ phải đến làm việc nếu chỉ nhận được triệu tập thông qua các hình thức này.
Các hình thức triệu tập được cho phép
Về hình thức triệu tập, Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11) quy định như sau: Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời.
Như vậy, công an triệu tập qua nhắn tin, qua việc gọi điện thoại hoặc thông qua người khác đều là trái với quy định của pháp luật. Và người dân sẽ không có nghĩa vụ phải đến làm việc nếu chỉ nhận được triệu tập thông qua tin nhắn, điện thoại.
Hơn nữa, hiện nay rất nhiều trường hợp giả mạo tin nhắn, điện thoại của công an để đe dọa, trục lợi, lừa đảo… Vì thế, người dân cần cẩn trọng khi nhận được điện thoại “mang danh” cơ quan điều tra.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng có những quy định cụ thể liên quan tới việc giao giấy triệu tập như sau:
– Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can;
– Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận;
– Giấy triệu tập được gửi cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc pháp nhân nơi người đó làm việc hoặc chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cư trú. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Có thể thấy, việc giao giấy triệu tập được tiến hành chặt chẽ để người bị triệu tập nhận được, từ đó có cơ sở thực hiện nghĩa vụ làm việc, khai báo tại cơ quan điều tra.
Ngoài cấm triệu tập qua điện thoại, pháp luật cũng nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín cửa cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, giấy triệu tập bị can tại ngoại; giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.
Khi nào người dân bị triệu tập lên làm việc tại cơ quan công an?
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, điều tra viên có quyền triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự (điểm d khoản 1 Điều 37);
Trong tố tụng hành chính và tố tụng dân sự do bản chất không cần đến cơ quan điều tra nên cơ quan này không có quyền triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến làm việc.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11): Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng.
Như vậy, không phải ai cũng có thể bị công an “gọi” lên làm việc. Điều tra viên chỉ được triệu tập những người có liên quan đến vụ án hình sự đã và đang được giải quyết.