Chỉ có làm việc thiện một cách lặng lẽ âm thầm, không phô trương, không cầu báo đáp, mới thật sự tích được âm đức.
Ảnh minh họa
“Đức” của mỗi người nhiều hay ít đến từ việc họ làm việc thiện, việc tốt nhiều hay ít. Như thế nào là làm việc thiện tích đức? Hành thiện tích đức chính là làm việc tốt, việc thiện, giúp đỡ mọi người làm điều tốt, hết thảy đều chất chứa lòng từ bi mà làm.
Mọi người chỉ cần đem bản tính lương thiện của mình tăng lên, mở rộng ra, tận lực làm thêm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức. Đây là phúc mà do con người tự tạo ra, người khác có suy tính chiếm đoạt cũng không chiếm được, đấy chính là cái “ĐỨC” ở đời.
Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh nhưng làm việc thiện hướng thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên đạo trời đối với những người hành thiện đều có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ giống như có thần trợ giúp. Cho nên mới nói đạo trời chỉ có “đức” là thân, một chút đức thiện sẽ tự chiêu mời được phúc báo.
Kiên nhẫn làm việc thiện, tận tâm bố thí cứu giúp người khác và tin tưởng rằng ông trời không bao giờ “bỏ qua” người tốt!
“Đức” có thể bảo hộ con người suốt đời, còn “thiện” chính là chìa khóa để tích đức! Cho nên, thay vì tính toán quá nhiều hãy “hành thiện tích đức” thì cuộc đời mới bình an, phú quý.
Hãy đọc câu chuyện dưới để cảm nhận rõ hơn về hành thiện tích đức
Ảnh minh họa
Một ngày, các nho sinh đến gặp vị thiền sư và thỉnh ngài giảng về thiện và ác, thiền sư bèn yêu cầu mỗi người hãy đưa ra ví dụ về những việc thiện-ác mà họ biết.
Một người trong đó nói, mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện. Thiền sư nói rằng, không nhất định là như vậy.
Một người khác cho là tham lam lấy tài vật của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện. Thiền sư cũng nói rằng, không nhất định là như vậy.
Mọi người đều lần lượt đưa ra các ví dụ khác nhau về thiện và ác, nhưng vị thiền sư đều lắc đầu rằng, không nhất định là như vậy.
Thấy khó hiểu, các nho sinh bèn thỉnh thiền sư hãy giảng giải cho mình.
Lúc này vị thiền sư mới từ tốn nói: “Giúp ích cho người gọi là Thiện, chỉ vì ích kỷ lợi thân gọi là Ác”.
Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích lợi cho bản thân nên dù có kính trọng người cũng gọi là ác.
Lại nữa, làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là “chân thiện”, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là “giả thiện”. Ví như, nếu tâm không thiện thì dù có vung tiền của cứu giúp hàng ngàn người cũng không có nghĩa lý gì; ngược lại, tâm chân thiện, thì dù không có một đồng làm từ thiện, nhưng một nụ cười hay một cái nắm tay chân thành cũng đủ để tích phúc đức rồi.
Cũng nói, làm việc thiện rồi cầu được báo đáp thì là vị tư bất thiện. Chỉ có làm việc thiện một cách lặng lẽ âm thầm, không phô trương, không cầu báo đáp, mới thật sự tích được âm đức.
Âm tức là tiềm ẩn, là lòng tốt âm thầm. Chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức thì không cầu người khác biết, cũng không mong được người tán thán hay cầu sự trả ơn.
Trúc Chi t/h