“Cái ngày mà mình xin đi đạp xe xuyên Việt, bố mẹ mình cấm nhiều lắm , không cho đi vì sợ vất vả và nguy hiểm.Thích là phải nhích” – Đỗ Kim Hạnh (SN 1990,TP.HCM), cô gái từng có bề dày 9 năm đi du lịch bụi nhớ lại.
Hạnh lại không thích đi ôtô hay xe máy, cô chỉ thích đạp xe đạp, và rất thích đạp chậm qua những con đường, ngắm nhìn mọi thứ chậm chậm.
Hành trình xuyên Việt bằng xe đạp của Kim Hạnh kéo dài tới 4 tháng, mà mỗi ngày đều là những thử thách khốc liệt: miền Bắc đèo dốc, miền Trung gió Lào, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ nắng mưa thất thường, miền Tây sông nước,… Cô bảo, khi thực hiện chuyến đi, cô đã xác định ngay từ đầu đây là chuyến đi “hưởng thụ” theo kiểu “hành xác”. Và cô đã phải tính toán rất cụ thể toàn bộ lộ trình đi, rằng đạp xe đường bằng khác với lên núi, đạp thuận chiều gió khác vô cùng đạp ngược, rồi tính đến những trường hợp thời tiết xấu, xe cộ có vấn đề, hoặc thời gian la cà những chỗ đẹp lịm tim…
Trong ký ức của Hạnh vẫn còn nhớ như in những chặng đường đạp xe trong thời tiết khắc nghiệt, có lúc nóng đến chảy nhựa đường, có lúc lại mưa ngập cả bánh xe, sấm chớp ầm ầm, rồi sương mù, cát bụi, gió ngược chiều… Và đôi lần trong số đó còn là những hiểm nguy tiềm tàng mà theo lời Hạnh, thật hú hồn vì cô vẫn nguyên vẹn trở về với bố mẹ.
Chẳng hạn như lần Hạnh nhập vào một nhóm bạn khác để leo núi Chứa Chan ở Đồng Nai. “Nghĩ lại cũng thấy thật liều, khi mà đêm hôm trời mưa to tầm tã cả nhóm vẫn cố gắng leo đến đỉnh mà đường trơn trượt vô cùng, không có lấy một ánh đèn. Lên đến nơi an toàn mà cả đám nghĩ giờ cho thêm tiền cũng chẳng dám đi lại nữa” – Hạnh kể, như vẫn chưa hoàn hồn.
Chính vì hôm trước leo núi mưa quá nên nhóm bạn không chụp được kiểu ảnh nào, hôm sau cả nhóm tranh thủ mọi góc để chụp và kết quả là họ bị lạc nhau thành 3 tốp. 2 tốp kia nhanh chóng tìm được nhau, còn tốp của Hạnh 4 người thì không thể gọi cho tốp kia được, càng lạc vào trong rừng sóng điện thoại càng chập chờn. Đồ ăn thức uống thì nhóm khác đã mang hết, 4 thành viên chỉ mang toàn dụng cụ và quần áo. Không còn một ngụm nước.
Suốt nhiều tiếng đồng hồ tìm đường, ai cũng oải rồi bị lạc vào rừng mít… Đến khi mệt rã rời không đi nổi, cả đám ngồi xuống ăn mít cầm hơi thì Hạnh bất ngờ nhìn thấy tia nước nhỏ xíu phun lên. Thế là cả đám lần theo ống nước ấy và đi được về một ngôi chùa.
Cứ đi là sẽ đến
Dù gian khổ, hiểm nguy là thế nhưng đối với Hạnh thì “hành trình đạp xe từ cực Bắc đến cực Nam của Tổ quốc có thể gọi là cả thanh xuân của mình. Không có chuyến đi này chắc tuổi trẻ của mình sẽ nhàn nhạt và chẳng có gì để kể mất”.
Điều khiến Hạnh ấn tượng nhất trong hành trình xuyên Việt ấy khi đạp xe đến Quảng Trị. Hôm đó cô được ghé thăm vĩ tuyến 17 và Thành Cổ Quảng Trị, được nghe về lịch sử vùng đất anh hùng. Chiến tranh kết thúc nhưng di chứng của nó vẫn còn nguyên đây, đạp xe qua vùng đất này, Hạnh chứng kiến rất nhiều thương binh, họ khiếm khuyết một hoặc nhiều phần thân thể nhưng vẫn cố gắng lao động như người bình thường.
“Đoạn đường miền Trung thì đèo dốc lắm, mình cố gắng đạp lên một con dốc cao thì có giọng nói bên đường vang lên: “Cố lên, cố lên nào, sắp tới rồi”. Mình quay lại thì thấy một chú ngồi xe lăn ở bên đường đang cười với mình rất tươi. Đó là hình ảnh mà chắc chắn mình sẽ không bao giờ quên, nụ cười của tình thương mến thương giống như trong bức ảnh: “Nụ cười chiến thắng ở thành cổ Quảng Trị” mà mình được xem lúc chiều vậy”, Hạnh bồi hồi kể.
Rồi Hạnh cười rất tươi: “Điều mình rút ra sau chuyến đạp xe xuyên Việt đó chính là luôn cố gắng, cứ cố gắng là sẽ đi được đến đích. Cứ đi là sẽ đến, cứ đạp là sẽ tới. Thanh xuân của người con gái có thời, không “điên” bây giờ thì sau này sẽ già mất”.