Năm 2016 tôi và vợ cưới nhau và có nhận nuôi bé N.A làm con nuôi, việc nhận nuôi chúng tôi đã làm đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định. Nay vì tình cảm vợ chồng không còn, chúng tôi thỏa thuận ly hôn và nuôi con. Vợ tôi sẽ nuôi bé N.A, vậy tôi có quyền từ chối cấp dưỡng cho bé N.A vì bé là con nuôi hay không? Mong Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật sớm phản hồi.
(Người hỏi: Tuấn Anh, Bắc Ninh)
Trả lời:
Cảm ơn Quý độc giả đã gửi câu hỏi đến Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật. Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý độc giả, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi có một số trao đổi như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 có quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau:
“Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Và việc cấp dưỡng cho con sau ly hôn được quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Như vậy, kể từ ngày nhận nuôi con nuôi, vợ chồng Anh/Chị và bé N.A có đầy đủ và các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; một trong những nghĩa vụ mà Anh phải thực hiện là nghĩa vụ cấp dưỡng khi không trực tiếp nuôi con sau ly hôn, việc cấp dưỡng này không phân biệt con đẻ hay con nuôi.
Trừ trường hợp giữa Anh và bé N.A có một trong những căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:
– Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
– Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
– Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
– Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
– Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
– Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
– Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
– Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
– Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
– Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Vậy nếu không thuộc một trong có căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi nêu trên thì Anh sẽ không thể chấm dứt việc nuôi con nuôi và vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi không trực tiếp nuôi.
Tư vấn bởi Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN