Từ bao giờ, một bộ phận giới trẻ lại coi việc tạo dáng phản cảm, khỏa thân chụp hình ở nơi công cộng, địa danh văn hóa lịch sử là sáng tạo, là thể hiện cái tôi cá nhân, chẳng ảnh hưởng đến ai? Hết “Hở bạo ở Tuyệt tình cốc”, “Nude ở phố cổ Hội An”, “Thoát tục ở hồ Tuyền Lâm”, giờ còn táo tợn hơn với ảnh cưới “Chăn gối giữa đường”,… Những bộ ảnh “bất chấp” chỉ mới nghe tên thôi đã đủ… “đỏ mặt” rồi. Cứ đà này, ai dám chắc sẽ không xuất hiện thêm những bộ ảnh…dị hợm, rùng mình hơn nữa.
Những kẻ biến không gian công cộng thành “phòng ngủ”
Bộ ảnh cưới “chăn gối giữa đường” có lẽ là từ khóa hot nhất “chiếm sóng” mạng xã hội những ngày qua. Theo đó, một đôi trẻ đã “bưng nguyên cả đạo cụ phòng ngủ” ra phố và thản nhiên tạo dáng trước sự tò mò pha lẫn bức xúc của nhiều người qua đường. Bối cảnh thực hiện bộ ảnh đều là những địa điểm nổi tiếng được coi là biểu tượng văn hóa của Hà Nội như: Phố đi bộ Hồ Gươm, cầu Long Biên, Hồ Tây,…
Tuy nhiên, vừa trình làng, bộ ảnh này đã vấp phải nhiều tranh cãi. Bên cạnh sự kinh ngạc với độ “khác người” hay có ý còn cho là dị hợm của cặp đôi, không ít người cảm thán đầy ngao ngán: “Đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy chướng tai gai mắt”. Được biết, sau khi nắm được thông tin phản ánh từ người dân, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã giao Thanh tra vào cuộc làm rõ vụ việc ồn ào này.
Chưa bàn đến bộ ảnh đẹp hay xấu, vấn đề là nằm “chềnh ềnh” giữa đường chụp ảnh có gây cản trở giao thông không? Rõ ràng là có! Đường đi lối lại, không gian công cộng, đâu phải chỗ muốn nằm thì nằm, muốn làm gì thì làm.
Còn tác giả bộ ảnh Hai Le Cao thanh minh, đúng là lực lượng đảm bảo trật tự có đến nhắc nhở, nhưng chỉ vì mấy cái xe không đỗ đúng quy định mà thôi, còn ê-kíp thao tác rất nhanh, chỉ 5-7 phút, thì làm sao cản trở giao thông (?!) Cách lý giải thật ngông cuồng và coi thường người khác.
Ai mà không “chướng tai, gai mắt” khi thấy một cặp đôi ngả ngớn tình tứ ngay giữa chốn được coi là biểu tượng văn hóa của Hà Nội.
Các cụ xưa có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”! Ý tưởng chụp ảnh cưới “chăn gối giữa đường” sẽ chẳng có gì đáng bàn, nếu nó được tác nghiệp ở những kín đáo, riêng tư. Đằng này, chuyện phòng the lại được những phơi bày lộ liễu giữa bàn dân thiên hạ, thậm chí người trong cuộc còn một mực khẳng định “vì thêm đạo cụ nên nhìn hơi lạ lẫm, còn ý tưởng bộ ảnh không vi phạm văn hoá đạo đức hay truyền thống”!
Nhìn nhận về bộ ảnh cưới “chăn gối giữa đường” gây tranh cãi này, nhiếp ảnh gia Lê Đức bày tỏ: “Thực ra, bộ ảnh này do một ảnh viện áo cưới thực hiện. Đây là ảnh thương mại mang tính cá nhân, chứ không thể coi là tác phẩm nghệ thuật công chúng. Và, nạn nhân ở đây không ai khác chính là khách hàng chụp ảnh, nghĩ là hay nhưng tôi cho là rất phản cảm”…
Trên thực tế thời gian quan, hầu hết những người thực hiện những bộ ảnh dạng này đều là người trẻ, họ chỉ là thợ ảnh chứ không thể gọi là nhiếp ảnh gia. Sự hiểu biết và kinh nghiệm về văn hóa của họ còn non kém, nên cứ “bạ đâu chụp đó”. Từ đây, xuất hiện ngày càng nhiều những bộ ảnh tạo dáng phản cảm ở các địa điểm du lịch, đền, chùa,… bị phản ứng gay gắt.
Thích chơi trội, coi đó là sự sáng tạo, nhưng họ không hiểu, những ý tưởng “khác người” này đang đi ngược với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ngay cả ở các nước phương Tây, dù có tư tưởng nghệ thuật rất thoáng, nhưng họ vẫn kịch liệt lên án việc chụp những bộ ảnh phản cảm ở nơi công cộng, những nơi tôn nghiêm, địa danh văn hóa, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới trật tự, giao thông, mà còn làm xấu văn hóa của cả khu vực”.
Ngược dòng, ý tưởng ảnh cưới “chăn gối giữa đường” cũng na ná những bộ ảnh dung tục, phản cảm từng gây tranh cãi trước đây như: “Tuyệt tình cốc”, “Nude ở phố cổ Hội An”, “Thoát tục ở hồ Tuyền Lâm”,…
Nhiếp ảnh gia Lê Đức chỉ ra, có vẻ chiến lược của những ê-kíp thực hiện những bộ ảnh này là càng gây tranh cãi, càng bị “bóc phốt”,càng dễ nổi tiếng. “Họ chạy theo những ý tưởng độc-dị-lạ, cố tình làm rùm beng để được nhiều người quan tâm. Thậm chí, họ còn nghiễm nhiên coi việc bị “ném đá”, khiển trách là niềm tự hào và đi khoe khoang với mọi người”.
“Nếu không xử lý, sau “chăn gối giữa đường” sẽ là gì?. Tôi thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay đang bị cuốn theo sự không chuẩn mực, càng “sốc-sex” càng gây tò mò. Liệu rằng, sau bộ cưới “chăn gối giữa đường” rùm beng kia, sẽ còn bao nhiêu bộ ảnh ra đời với ý tưởng táo bạo, dị hợm hơn. Điều này thực sự rất nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của số đông, nhất là giới trẻ”, nhiếp ảnh gia Lê Đức nêu quan điểm.
Nhiếp ảnh gia Lê Đức
Hệ lụy từ cái tôi lệch chuẩn
Đồng ý rằng, trong nghệ thuật cần có sự sáng tạo! Nhưng, nên nhớ ranh giới giữa “ng
hệ thuật và phản cảm” rất mong manh, chỉ cần quá đà một chút thôi cũng đủ khiến sự sáng tạo ấy… phản tác dụng. Vậy nên, chơi trội, sáng tạo hay độc lạ phải phù hợp với thuần phong mỹ tục và luật pháp nơi bạn đang sinh sống.
“Bản thân tôi chụp rất nhiều bộ ảnh nude, nhưng tôi chưa bao giờ dám mang ý tưởng đó đến chụp ở nơi công cộng, hay địa điểm tâm linh, du lịch. Nếu chụp ở những địa điểm đó, đảm bảo tôi nổi tiếng như cồn. Nhưng, nổi tiếng như vậy để làm gì? Thường địa điểm mà tôi lựa chọn là những nơi kín đáo, an ninh tốt, và quan trọng là phải nắm rõ được các thông tin về nhân vật và nơi mình đang sáng tạo”, nhiếp ảnh gia Lê Đức nhấn mạnh.
Đáng nói, dù bị dư luận lên án, chỉ trích rất nhiều, nhưng những bộ ảnh “độc-dị-lạ” phản cảm này vẫn “sống khỏe”. Từ cái tôi lệch chuẩn này, nhiều người lo ngại về tiền lệ xấu ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận giới trẻ. Bởi, trong số những người vô tình lướt qua và chứng kiến những bộ ảnh này, hẳn có không ít trẻ em và sẽ thắc mắc về những điều mà người lớn khó giải thích. Những hình ảnh không đẹp, trái thuần phong mỹ tục này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của lớp trẻ.
Bàn về vấn đề này, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên khoa Tâm lý, Học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Thực ra, nhu cầu thể hiện cái tôi của giới trẻ hiện nay ngày càng bộc lộ khá rõ, với đủ các hành vi nhằm khẳng định giá trị bản thân, để được nhiều người biết đến. Và, việc tung những hình ảnh, video “sốc-sex-sến” là một trong những cách thể hiện đó. Hành vi càng lố lăng, phản cảm bao nhiêu, càng gây chú ý bấy nhiêu.
Thậm chí, một bộ phận giới trẻ còn quan niệm, việc được nhiều người biết đến dù tiêu cực còn hơn không ai biết đến mình. Từ suy nghĩ lệch lạc đó, dẫn đến cách hành xử của họ đi ngược văn hóa và luật pháp. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể tạo ra một thế hệ có nhận thức văn hóa kém”.
TS Tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng, chúng ta tôn vinh sự sáng tạo, không ai tôn vinh dị hợm: “Chúng ta tôn vinh sự sáng tạo, và cần nhìn dưới nhiều góc độ để đánh giá đúng-sai, chứ không nên quy chụp. Tuy nhiên, bạn không thể ngụy biện cho hành vi sai trái của mình rằng: “Nghệ thuật là sáng tạo”; “Tôi muốn làm gì là quyền của tôi”… Ít nhất, sự sáng tạo đó phải đúng nơi đúng chốn, phân biệt được điều sơ đẳng về không gian riêng tư và công cộng, trong chừng mực cho phép và được mọi người ủng hộ. Bên cạnh việc phù hợp văn hóa, thuần phong mỹ tục, hành động đó cũng phải thượng tôn pháp luật nơi bạn sinh sống”.