Nếu lỡ nêm nhiều muối trong khi nấu ăn, thay vì thêm nước, bạn có thể tham khảo những mẹo đơn giản sau đây để hương vị món ăn được hài hòa, vừa phải.
Dùng mật ong hoặc đường
Không chỉ có nhiều lợi ích cho sức khỏe, mật ong còn phát huy tác dụng trong việc làm giảm vị mặn và tăng hương vị đậm đà cho món ăn. Chỉ cần thêm chút mật ong nguyên chất vào món ăn bị mặn, vị ngọt dịu của mật ong sẽ trung hòa bớt vị mặn của muối. Nếu không có mật ong bạn có thể thay thế bằng đường, cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên cách này chỉ áp dụng trong trường hợp món ăn bị nêm hơi quá tay một chút.
Dùng nước cốt chanh
Chanh tươi là thành phần không thể thiếu để tạo nên bát nước chấm đủ vị chua cay mặn ngọt hài hòa. Do đó khi món ăn của bạn chẳng may bị mặn hãy thử thêm vào một ít nước cốt chanh tươi. Cách này đặc biệt thích hợp đối với những món canh, kho nhiều nước. Tuy nhiên, bạn cần chú ý là không cho nước chanh vào những món ăn có nguyên liệu là các sản phẩm từ sữa. Tính a-xít của chanh sẽ khiến những thành phần có nguồn gốc từ sữa bị kết tủa.
Dùng sữa chua không đường
Nếu lỡ cho nhiều muối khi nấu các món ăn có thành phần từ sữa như súp kem, súp sữa, cà ri béo,… bạn có thể thêm vào một lượng vừa đủ sữa chua không đường để vị mặn của món ăn được giảm bớt. Cách này cũng giúp hương vị của món ăn thơm ngon hơn rất nhiều.
Dùng khoai tây sống
Với các món nước như canh, hầm, súp… có một cách rất hiệu quả giúp bạn “chữa cháy” nếu lỡ tay cho quá nhiều muối đó chính là sử dụng khoai tây. Bạn chỉ cần gọt vỏ một củ khoai tây sống rồi thái thành những lát to và thả vào món ăn. Để khoai tây ít nhất là 15 phút hoặc ngâm khoai tây trong món ăn đến khi dùng bữa mới vớt ra. Khoai tây sẽ hút các phần tử muối trong canh, giúp cho nồi canh giảm bớt vị mặn.
Dùng cà chua
Nếu không có sẵn chanh hay khoai tây, bạn cũng có thể dùng cà chua cắt lát dày cho vào món ăn và ngâm trong khoảng 15 đến 20 phút. Vị chua tự nhiên sẽ trung hòa vị mặn của món ăn, khi chuẩn bị dùng bữa bạn mới vớt cà chua ra. Tuy nhiên vị chua trong cà chua khá nhẹ dịu nên sử dụng cà chua sẽ không hiệu quả bằng những phương pháp khác.
Dùng giấm gạo
Giấm là loại gia vị có khả năng giảm bớt vị mặn của muối. Chỉ cần cho một lượng nhỏ giấm vào món ăn, vị mặn gắt sẽ được cải thiện đáng kể. Lưu ý khi cho giấm nên cho từ từ từng ít một rồi nếm thử cho đến khi vừa miệng. Đặc biệt mùi hương dịu nhẹ thoang thoảng của giấm còn giúp món ăn thơm ngon hơn.
Sử dụng lòng trắng trứng
Với những món nước thay vì dùng cà chua, khoai tây bạn cũng có thể dùng nguyên liệu quen thuộc là lòng trắng trứng (trứng gà hoặc trứng vịt) để hút bớt vị mặn của muối. Cách làm là thả lòng trắng trứng không đánh tan vào nồi canh và để sôi trong 5 phút sau đó vớt ra. Tùy theo độ mặn và số lượng món ăn mà bạn sử dụng số lòng trắng trứng sao cho phù hợp.
Như vậy có nhiều cách để giảm độ mặn của món ăn nhưng bạn không nên áp dụng cùng lúc các giải pháp mà chỉ nên chọn cách phù hợp với món đã nấu. Nếu chữa đi chữa lại bằng nhiều cách thì món ăn có thể trở nên khó ăn hơn.