Chà bông (ruốc) là món ăn được sử dụng phổ biến, thế nhưng, sau vụ ngộ độc khiến 55 người phải nhập viện cấp cứu tại Tân Phú (TP.HCM), đã đến lúc cần phải cảnh giác với độ an toàn của món ăn này.
Ngày 28/10, một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng đã xảy ra tại quận Tân Phú, TP.HCM. 55 ca nhập viện, trong đó 11 ca đã chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Nhận định của Ban ATTP TP, nguyên nhân gây ngộ độc là từ món chà bông, có thể bị nhiễm tụ cầu (Staphylococcus) với các biểu hiện cấp tính nhanh và mạnh.
Chà bông sẽ trở nên nguy hiểm khi được sản xuất trong điều kiện kém vệ sinh.
Nở rộ chà bông “handmade”
Chà bông gà (khô gà) lâu nay là món ăn vặt khoái khẩu của cả người lớn lẫn trẻ em. Với vị cay cay, thơm và dai, chà bông gà được bán rộng rãi ở các cửa tiệm tạp hóa, siêu thị cho đến các facebook cá nhân, cơ sở bán hàng online. Chỉ cần gõ cụm từ “chà bông gà” lên thanh tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, kết quả trả về là rất nhiều cơ sở, cá nhân hay các fanpage bán chà bông gà. Trong số này có không ít cá nhân đang bán chà bông gà theo dạng “handmade” rồi “homemade”, tức là đồ tự làm. Giá cho từng sản phẩm này dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/kg.
Các sản phẩm này được người bán quảng cáo đảm bảo “sợi chà bông tơi, mịn, không bị ẩm cũng không khô quá. Độ dai và vị ngọt của chà bông gà khác hẳn các sản phẩm công nghiệp”.
Ngoài ra, để tạo sự yên tâm cho khách hàng, những cá nhân này đều cam kết rằng “Gia vị hoàn toàn bằng nước mắm không pha trộn bất kì hoá chất gì, không màu hóa chất, không chất bảo quản. Đây là sản phẩm nhà làm, nhà em cũng ăn nên khách hàng có thể yên tâm tuyệt đối về chất lượng”.
Mặc dù vậy, không phải lời quảng cáo nào cũng đi đôi với thực tế. Là một tín đồ của đồ ăn vặt, chị Nguyễn Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên đặt chà bông gà qua một địa chỉ bán đồ handmade, vốn là người quen của gia đình. Những lần đầu tiên, chị cùng hai con nhỏ ăn chà bông gà mà không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, đầu tháng 9 vừa qua, gia đình một phen tá hỏa vì ngộ độc thực phẩm nhẹ. Cả 3 mẹ con sau khi sử dụng sản phẩm đều có dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy. Rất may vụ ngộ độc thực phẩm này nhẹ nhưng cũng kể từ đó, chị Trang tuyệt đối không đặt mua chà bông gà online nữa.
Người tiêu dùng nên thận trọng khi mua và sử dụng các loại chà bông không nhãn mác, bán trôi nổi trên mạng xã hội.
Đặc biệt cẩn trọng với món lạ
Trên thực tế, các mặt hàng handmade, homemade như quảng cáo trên Facebook, khách hàng chủ yếu mua dựa trên sự tin tưởng từ người bán, là chỗ quen biết. Nhưng việc sử dụng các loại thực phẩm handmade vẫn tiềm ẩn những rủi ro như: Người sản xuất chưa am hiểu về các chất phụ gia, phẩm màu được sử dụng, cũng như hàm lượng cho phép của các chất phụ gia, phẩm màu trong thực phẩm…
Bên cạnh đó, người tiêu dùng khó biết được người sản xuất sử dụng nguyên liệu gì để làm ra thực phẩm. Thực phẩm handmade khi bày bán trên thị trường nếu không đảm bảo vệ sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bẩn từ các yếu tố bên ngoài, do thiếu điều kiện cơ sở vật chất bảo quản hợp vệ sinh.
Theo ông Lê Văn Giang – Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), quy định hiện nay chỉ xây dựng tiêu chuẩn cho những sản phẩm có tính ổn định về đặc tính kỹ thuật. Với các sản phẩm tự làm, truyền thống như bánh cuốn, bánh đa, bánh chưng, thịt chế biến… vẫn chưa có tiêu chuẩn. Việc quản lý nhóm đối tượng sản xuất các mặt hàng này chủ yếu bằng yêu cầu về sự an toàn, đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh, người làm phải có kiến thức về thực phẩm.
Đặc biệt, với các món ăn được xem là khoái khẩu của trẻ em như chà bông gà thì mức độ đề phòng lại càng phải lớn hơn. Các cơ quan tiêu hóa, tiết niệu của trẻ chưa phát triển đầy đủ hoàn toàn như người lớn. Khi trẻ nhỏ ăn phải các thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không có các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Do vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu rõ nguồn gốc của cơ sở sản xuất để đảm bảo sức khỏe khi sử dụng các loại thực phẩm trôi nổi, đặc biệt là các loại thực phẩm handmade từ các hộ sản xuất kém vệ sinh.
Thảo Quyên/VietQ