Bỏ lại sau lưng ánh đèn sân khấu, gác lại những bộn bề của năm cũ là biết bao cung bậc cảm xúc và nỗi bâng khuâng của người nghệ sĩ chọn sự đoàn viên, sum vầy bên gia đình dịp Tết đến, Xuân về…
Hồi ức đón Giao thừa trên chuyến xe đêm
Danh hài Chiến Thắng, chàng Ngao của “Làng ế vợ” tâm sự. Có lần đi diễn về đúng thời khắc giao thừa, đến giữa cầu Thăng Long, pháo hoa rợp trời, bỗng dưng chạnh lòng kinh khủng, nước mắt cứ thế chực trào ra”.
Danh hài Chiến Thắng |
Chứng kiến khoảnh khắc mọi người trong gia đình quây quần vui vẻ, dành tặng nhau lời chúc may mắn đầu năm mới, tôi mới thấm thía câu nói “Tết đoàn viên, Tết sum vầy”. Kể từ giây phút ấy, tôi quyết định sẽ không nhận show vào dịp lễ Tết để ở nhà với vợ con, gia đình. Chỉ cần nghĩ đến giây phút giao thừa thiêng liêng ấm áp bên vợ con, thì tôi thấy tiền tài, danh vọng không còn quan trọng nữa”, nam nghệ sĩ giãi bày.
Giọng ca sinh năm 1979 Đoan Trường ngậm ngùi: “Ba tôi qua đời đúng vào đêm 28 Tết cách đây 15 năm. Chịu nỗi đau quá lớn, tôi mới thấm được giá trị của hạnh phúc đoàn viên. Từ đó, tôi quyết định không nhận show dịp này nữa, mà ở nhà lo soạn sửa đón Tết, dành thời gian bên mẹ và em gái cho họ đỡ tủi thân”.
“Cuộc đời này cái gì cũng có giá của nó, khi ta mải mê chạy theo “cơm áo gạo tiền”, thì đánh mất niềm vui, hạnh phúc của sự đoàn viên. Khi đã đủ đầy vật chất, lại mong có những phút giây đón Tết bên gia đình thì mái ấm có thể không còn trọn vẹn người thân. Hãy yêu thương nhau nhiều hơn khi còn có thể, và trân trọng những gì ông trời đã ban tặng để thấy cuộc đời vẫn luôn tươi đẹp”, ca sĩ Đoan Trường chia sẻ thêm.
Những “ca lạ” ngược dòng dịp Tết
Ngược dòng với “nhịp đập” rộn ràng của làng nghệ sĩ vào dịp lễ Tết, ca sĩ Mỹ Lệ ví mình như một “ca lạ”. “Mỹ nhân ngư” trải lòng: “Thường dịp lễ Tết là mùa “hái ra tiền”, nên không ít nghệ sĩ tranh thủ căng sức chạy show triền miên để tăng thu nhập. Làm việc cả năm rồi, nên những ngày lễ Tết, tôi muốn ở nhà, dành khoảng thời gian ý nghĩa đó cho gia đình. Trừ khi có những chương trình đặc biệt quan trọng, buộc mình phải sắp xếp để tham gia. Tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ bỏ lỡ thời khắc giao thừa, sum vầy bên gia đình cùng tiễn năm cũ đón năm mới”.
Ca sĩ Mỹ Lệ khẳng định, chị sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để chọn gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Cũng như vậy, NSƯT Trịnh Kim Chi, cứ mỗi dịp Tết, gia đình chị lại có truyền thống quây quần gói bánh chưng và cùng nhau bên bếp than hồng canh nồi bánh. Mỗi lần nấu, gia đình chị gói chừng 70 – 80 cái, nhiều thế nhưng cũng chỉ đủ chia cho mọi người trong gia đình, họ hàng. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Năm nào cũng làm nên thành nếp. Có năm, mẹ tôi bị mệt, không có “nhạc trưởng” chỉ huy, nên mọi người bảo thôi tạm nghỉ. Vậy mà năm đó, cái Tết như thiếu không khí, ai cũng nhớ cảnh ngồi bệt trên sàn nhà gói bánh, nhớ cái hương bánh thơm thơm trong gió xuân chiều cuối năm…”.
Với “bà bầu” sân khấu kịch, gia đình luôn là nơi để trở về sau những bộn bề, và là hậu phương vững chắc cho những bước tiến của chị trong sự nghiệp. Vì vậy, dù có bận rộn đến mấy, nhưng cận kề ngày Tết, chị vẫn cố gắng sắp xếp mọi việc, để dành thời gian chăm chút tổ ấm nhỏ, chuẩn bị đón cái Tết ấm áp, đong đầy tình thân.
Dường như, khi càng trưởng thành, càng nhiều trải nghiệm, người ta càng thôi mong cầu những điều xa vời, cao sang, mà chỉ mong muốn bình yên, sức khỏe và được sống trọn vẹn tháng ngày ý nghĩa bên những người mình yêu thương nhất. Đó là đạo lý muôn đời của người Việt mà không gì có thể phá vỡ. Không riêng nghệ sĩ mà tất cả chúng ta chỉ có thể tìm thấy những điều tốt đẹp ấy trong chính gia đình mình, vào dịp thiêng liêng Tết đến Xuân về.
“Niềm vui khi cầm trong tay mấy trăm triệu tiền cát-xê lúc đi diễn không thể sánh bằng cảm giác hạnh phúc khi cùng vợ con sắm sửa đón Tết, đi chúc Tết họ hàng”. |
Hà Linh