Thời gian qua, các clip giải trí được đăng tải trên các nền tảng xã hội như facebook, youtube gia tăng một cách nhanh chóng, trong đó, số lượng clip dành cho trẻ em cũng chiếm một phần không nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là không phải tất cả đều cung cấp những thông tin bổ ích, lành mạnh cho nhóm đối tượng người xem đặc biệt này.
Cụ thể, clip được đăng tải với nội dung “xin vía học giỏi” từ búp bê giống Kumanthong. Không chỉ dừng lại ở việc trò chuyện với búp bê vô tri vô giác, cô nàng còn dặn dò các bé phải cho búp bê uống nước ngọt trước khi cầu điều gì đó.
Khi clip này được đăng tải và phát tán trên mạng xã hội, đã có không ít những lời chỉ trích với hành động của Youtuber này. Và điều mà nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng đó là con mình sẽ học được gì sau khi xem xong những dạng clip như vậy?
Trẻ em có thế giới quan rất nhạy bén, các bé có thể học theo và làm theo bất cứ thứ gì mà các bé được xem, được tiếp nhận. Hiện nay, hàng loạt các clip biến tướng được đăng tải trên các kênh Youtube chiếm một lượng lớn người truy cập mà phần đông trong số đó là trẻ em. Trẻ em có khả năng phòng vệ kém nên dễ trở thành đối tượng mà các Youtuber “nhắm tới”.
Ít ai nhận ra rằng, việc cho trẻ tiếp cận với mạng xã hội, đặc biệt là Youtube có khả năng tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường. Một minh chứng gần đây nhất là sự việc một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai đã tử vong do học theo “Thử thách momo”. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều trường hợp trẻ em tử vong thương tâm liên tiếp xảy ra do học theo trò “thắt cổ tự tử” từ “Thử thách momo”. Tuy nhiên, những trò chơi nguy hiểm này chỉ là một phần nhỏ trong muôn vàn biến tướng mà các Youtuber tạo ra. Clip dạng này có thể trá hình bằng những thủ đoạn tinh vi khó có thể nhận diện. Thông qua các quảng cáo về đồ uống hay đồ ăn vặt, những video về đồ ăn nhanh không lành mạnh như sữa tắc, khoai tây chiên, bánh mỳ kẹp phô mai,… đã thu hút sự thích thú của các bé. Vậy nên “nạn nhân” của những clip này không phải là một con số nhỏ.
Những câu chuyện này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh về cách giáo dục trẻ khi tiếp cận với mạng xã hội. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm, làm bạn với con, sát sao trong lúc con truy cập mạng. Cha mẹ có thể xem cùng con, hướng dẫn con chọn những chương trình tích cực, bổ ích, tránh để con truy cập vào những clip không lành mạnh, phản giáo dục. Đồng thời, nên thẳng thắn chia sẻ với con về những nội dung xấu trên youtube để các bé biết sợ và tránh. < /p>
Thanh Huyền (T/h)