Thói quen dồn tất cả cho con một cách mù quáng sẽ làm hại người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Câu chuyện mà tôi chứng kiến là một minh chứng cho điều đó.
Người phụ nữ ấy là hàng xóm của gia đình tôi. Bà mất đã nửa năm nay. Cái chết trong cô đơn, tủi hờn của bà để lại cho tôi nhiều suy nghĩ về quan niệm ứng xử giữa con cái và cha mẹ.
Người Việt xưa nay luôn cho rằng, con cái là mối đầu tư lớn. Khi con còn nhỏ, cha mẹ dồn hết tình yêu, tiền bạc cho con. Những đứa trẻ được học hành, lớn lên theo kỳ vọng của cha mẹ. Họ mong con thành tài, cho họ mở mày mở mặt và đặc biệt lúc về già, cha mẹ có nơi để nương tựa.
Nhưng thói quen dồn tất cả cho con một cách mù quáng sẽ làm hại người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Câu chuyện mà tôi chứng kiến là một minh chứng cho điều đó.
Hàng xóm của tôi 65 tuổi. Cách đây 3 năm về trước, bà đến khu phố nơi chúng tôi ở để thuê trọ.
Chồng bà mất khi con trai của họ được 5 tuổi. Vì vậy bao nhiêu tình yêu thương và hi vọng bà dồn hết cho người con trai duy nhất.
Bà kể, khi còn trẻ, dù khó khăn đến mấy bà đều tìm cách cho con đi học. Bà sẵn sàng nhịn ăn, vay mượn để mua cho con cái này, cái kia chỉ mong con học hành thành tài.
Thấy con học được, bà càng mừng. Thay vì có khoản tích lũy cho bản thân, bà dồn hết vào tương lai của con. Bà chắc mẩm, con nên người không bao giờ phụ công cha mẹ.
Bà nghĩ rằng, chồng mất sớm, anh em phận ai nấy lo, tuổi về già của bà chỉ còn hi vọng ở con.
Khi con trai tốt nghiệp đại học, đi làm, bà cũng tự cho mình nghỉ hưu dù đang ở tuổi có thể lao động.
Từ đó, tôi thấy bà thường xuyên dành thời gian để tập thể dục, sinh hoạt các câu lạc bộ cho người già. Vì không có lương hưu, không có tích lũy anh con trai phải hàng tháng gửi tiền về cho mẹ chi tiêu.
Mỗi lần con trai gửi, bà sang khoe với tôi đầy tự hào. Những lần con chưa gửi kịp, bà gọi điện trách móc, phàn nàn rằng anh bất hiếu.
Thời trẻ, anh con trai ra sức chiều chuộng mẹ nhưng khi anh lập gia đình, mọi chuyện lại khác.
Vợ anh cầm hết tiền lương của chồng và quản lý tiền lương trong nhà. Thay vì số tiền liên tục gửi về để vừa lòng mẹ chồng như trước đây, chị thắt chặt lại. Họ còn phải lo cho các con và chi phí đắt đỏ ở thành phố, nhất là khi anh chưa có nhà, chưa có tài sản gì đáng giá.
Cuộc sống người mẹ dần khó khăn hơn, bà giận dỗi và vùng vằng với con trai. Anh con trai áy náy, thương mẹ nhưng cũng không thể làm gì hơn. Tính đi tính lại, bà quyết định bán căn nhà ở quê để cùng gia đình con trai mua nhà ở thành phố.
Cuộc sống chung chỉ vui vẻ thời gian đầu. Những mâu thuẫn, xích mích nhanh chóng bộc lộ. Người mẹ không có thu nhập nhưng thích sống thoải mái với lý do “cả đời đã vất vả nuôi con, nay phải được hưởng thụ”. Con dâu thì tính tình chắt bóp, sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, họ cãi nhau.
Một lần mẫu thuẫn lớn, bà tự ái, đòi ra ở trọ và bà đến thuê nhà gần gia đình tôi. Lúc này, tuổi đã lớn bà mới bắt đầu đi xin việc, kiếm sống. Bao nhiêu lần xin bà đều bị người ta từ chối vì tuổi cao. Cuối cùng bà đi giúp việc cho một gia đình cùng khu phố.
Nhưng tuổi cao sức yếu, bà làm việc chậm lại thường hay đãng trí khiến gia chủ rất phiền lòng. Một lần đau ốm nghỉ quá lâu, bà bị người ta cho nghỉ việc.
Bà lại phải cầu cứu con trai. Những năm tháng cuối đời, người phụ nữ đó sống rất tằn tiện. Có hôm tôi sang chơi, thấy bữa cơm của bà chỉ có mấy bìa đậu và đĩa rau luộc. Bà ăn không hết lại dành sang bữa chiều…
Cuối cùng, bà mất trong căn phòng trọ, một mình. Tôi nghe nói, bà ốm mấy hôm nay, người con trai thì đi công tác, con dâu thì mới sinh con nên không qua lại thăm mẹ…
Chứng kiến chuyện của hàng xóm, chồng tôi chép miệng “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/Con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày”.
Ở tuổi già không có sự tích lũy, chuẩn bị, phải phụ thuộc vào người khác thì thực sự là một bi kịch.