BOT… bệnh viện và chuyện núp bóng xã hội hóa y tế

Phải đến khi vụ nâng khống giá hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Bạch Mai bị phanh phui, nhiều người mới vỡ lẽ: thì ra bấy lâu nay, có một “trạm thu phí BOT” vô hình được đặt ngay trong các bệnh viện công mà không có… barie rào chắn.

Ba đối tượng bị Cơ quan điều tra khởi tố liên quan đến vụ nâng khống giá thiết bị y tế nhằm trục lợi tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TL

Thật khó có thể hình dung nếu những chiếc máy khám chữa bệnh xã hội hóa được nâng khống giá để “móc túi” bệnh nhân lại có thể đặt ngay bên cạnh khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu” hay “lời thề Hypocrat”. 

Câu chuyện nâng khống giá Hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 7,4 tỷ đồng lên tới hơn 39 tỷ đồng xảy ra đúng vào lúc cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19. Nó tạo nên một cảm xúc cay đắng đối với không chỉ những người thầy thuốc chân chính mà cả với những người bệnh đã từng bị dịch vụ này ăn trên lưng.

Đã có những bài học còn cay đắng hơn từ hệ thống máy xét nghiệm Real Time PCR của CDC Hà Nội trong cao điểm mùa dịch nhưng dường như những con virus có tên lòng tham vẫn nhờn kháng sinh liều cao.

Nhưng rồi bỏ lại phía sau cảm giác cay đắng, bức xúc, phẫn nộ và hơn thế nữa, chúng ta phải nhìn nhận nỗi đau này bằng thái độ tỉnh táo từ những lỗ hổng cơ chế. Thứ lỗ hổng mà đôi khi chúng ta nhìn thấy nó quá phổ biến, trở thành thói quen, rồi chung sống, thậm chí “đồng lõa” với nó.

Người Việt thường có thói quen kỳ kèo bớt một thêm hai khi giao dịch mua bán nhưng không ai mặc cả với sinh mệnh lúc ốm đau bệnh tật. Thói quen, tâm lý đó chính là “dư địa màu mỡ” để những kẻ mưu đồ “kinh doanh bệnh tật” tìm cách khai thác, trục lợi.

Bởi thế nên mới có chuyện, một hệ thống máy móc có hành trình nhập khẩu minh bạch, trải qua nhiều khâu kiểm soát với hàng tá hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, tờ khai thuế, hải quan… nhưng vẫn có thể qua mặt được một bệnh viện lớn nhất nhì cả nước, nơi có hội đồng khoa học, có cơ quan tham mưu về thiết bị yế tế để nâng khống giá gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ đó tiếp tục nâng giá dịch vụ khám chữa bệnh, đánh trực diện vào túi tiền của bệnh nhân.

Không gọi hiện tượng ấy là một dạng ngang nhiên đặt “trạm thu phí BOT” trong lòng bệnh viện công thì phải gọi nó bằng gì?

Kêu gọi tư nhân đặt máy móc trong bệnh viện là câu chuyện phổ biến cách đây hàng thập kỷ. Đa số đều là các loại máy móc đắt tiền và là “con gà đẻ trứng vàng” đối với không ít người.

Cho rằng đó là một cách để giảm tải gánh nặng cho ngân sách, là nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế, là để người bệnh có điều kiện tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến, bệnh viện hợp tác với một nhà đầu tư và ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận. Có thể 50/50, cũng có thể 30/70, thậm chí, nếu quản lý lỏng lẻo, biết đâu có những thỏa thuận ngầm để chia chác lợi ích.

Điều đáng nói là cách làm ấy lại được tung hô như một sự ưu việt về chính sách. Rằng, nhờ xã hội hóa bằng cách đặt máy của tư nhân trong bệnh viện công, cả 3 đối tượng là bệnh viện công, doanh nghiệp và người bệnh đều được hưởng lợi.

Vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai vỡ lở còn liên quan đến bên thứ 3, đó là đơn vị thẩm định giá. Một số cá nhân của doanh nghiệp đầu tư hệ thống robot và công ty thẩm định giá đã câu kết nâng khống giá cao hơn gấp khoảng 5 lần so với giá trị thực để móc túi người bệnh.

Vấn đề đặt ra ở đây là liệu bệnh viện công, nơi hợp tác với doanh nghiệp đầu tư máy có biết điều này?

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Anh – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng bệnh viện cũng là… nạn nhân.

Thế nhưng, hãy hình dung xem, ai sẽ tin rằng: Một bên đang sở hữu tài sản là phương tiện kỹ thuật, đất đai, thương hiệu, nhân lực… của nhà nước, có đầy đủ các ban bệ chuyên môn nghiên cứu, tham mưu, được cho phép ký hợp đồng với một đơn vị tư nhân để kinh doanh một dịch vụ thu tiền, hưởng lợi nhuận nhưng lại không biết giá trị thực của máy, để cho đối tác và đơn vị thẩm định giá tự tung tự tác? 

Máy móc xã hội hóa có thể hiểu là dịch vụ y tế chất lượng cao nhưng lại là thứ dịch vụ không hoạt động theo quy luật thị trường.

Bởi lẽ, thu tiền dịch vụ như ngoài chợ trời nhưng lại được dán tem nhãn trong…siêu thị. Nói một cách dễ hiểu là nhà cung cấp máy xã hội hóa chỉ việc bỏ tiền ra đầu tư máy còn cơ sở vật chất, thương hiệu, nhân lực là của bệnh viện công.

Bệnh viện công xét trong mối quan hệ với nhà đầu tư ký hợp đồng đặt máy xã hội hóa tựa như một cổ đông của… công ty cổ phần. Nếu có cơ hội được góp… cổ phần, tin chắc nhiều bác sỹ, nhân viên y tế ở các bệnh viện công, thay vì xoay sở đi khám chữa bệnh dịch vụ ngoài giờ, nhiều người sẵn sàng góp vốn vào những “con gà đẻ trứng vàng” này.

Bệnh viện công, dù là đơn vị sự nghiệp công lập, thậm chí có những bệnh viện tự chủ hoàn toàn thì bản chất vẫn là nơi mà bất kỳ thể chế chính trị nào cũng phải xem như là một tiêu chí của an sinh xã hội.

Vụ nâng khống giá thiết bị để móc túi người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai có thể chỉ là trường hợp đầu tiên bị phát hiện, phản ánh lỗ hổng trong việc giám sát thực hiện các chính sách xã hội hóa lĩnh vực y tế. Có thể còn không ít các “trường hợp Bạch Mai” ở khắp cả nước đang từng ngày, từng giờ làm hao mòn niềm tin của người bệnh.

Rất cần một cuộc thanh tra toàn diện để chỉ rõ điểm nghẽn, vá lỗ hổng cơ chế, tạo ra một môi trường khám chữa bệnh lành mạnh, công bằng. Bởi xã hội hóa, bản chất tốt đẹp của nó là huy động các nguồn lực xã hội để phục vụ cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ để phục vụ lợi ích của một nhóm người.

Related Posts

Cao ốc mọc trên “đất vàng”: Nhà máy xe đạp Thống Nhất 82 Nguyễn Tuân giờ ra sao?

Sau khi di dời nhà máy xe đạp Thống Nhất, hiện nơi đây là tổ hợp nhà liền kề, TTTM và căn hộ mang tên Thống Nhất Complex, giá nhà…

Read more

3.629 người có nguy cơ cao trong cộng đồng ở Hà Nội xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hiện tại, đã có 3.870 đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng được xét nghiệm nhanh vi rút…

Read more

Sáng 20/3, không có ca mắc mới, gần 31.000 người Việt đã tiêm văc xin COVID-19

Bản tin 6h ngày 20/3 của Bộ Y tế cho biết không có ca mắc COVID-19. Gần 38.000 người đang cách ly chống dịch. trên cả nước. Hiện cả nước…

Read more

Dự báo thời tiết ngày 20/3: Miền Bắc ấm trước khi đón đợt không khí lạnh mới

Dự báo thời tiết hôm nay (20/3), các tỉnh miền Bắc ban ngày trời ấm, có nơi nắng nóng trên 35 độ. Ngày mai không khí lạnh tràn về, trời…

Read more

Hà Nội: Bé gái 2 tuổi tử vong trong ngày đầu tiên đến trường mầm non

Bé gái sinh năm 2019 đến nhóm lớp mầm non ở cạnh nhà để học tập. Sau đó bé này đã có nhiều biểu hiện lạ và được đưa đến…

Read more

Chiều 19/3, thêm 1 ca mắc COVID-19 tại TP.HCM

Bản tin 18h ngày 19/3 của bộ Y tế cho biết có 1 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh ghi nhận tại TP.HCM. Việt Nam hiện có 2.571 bệnh…

Read more

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *