Đã có nhiều cảnh báo về việc rung lắc trẻ có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sự an toàn của bé nhưng nhiều người vẫn vô tư mắc phải, không ít trường hợp đã dẫn tới hệ lụy đau lòng.
Bố bị phạt 6 năm tù vì lắc lư con trai thô bạo
Vào ngày 8/9 vừa qua, tòa án quận Penrith (Úc) đã tuyên án phạt 6 năm tù dành cho ông bố đã lắc lư con trai 7 tuần tuổi quá thô bạo đến mức đứa trẻ bị tàn tật vĩnh viễn.
Sự việc này xảy ra từ tháng 4/2018. Đêm đó, mẹ của bé trai đã quá mệt sau khi dỗ con nên đã nhờ chồng trông con một lát để ngủ. Vì thiếu kinh nghiệm trong việc dỗ dành con trẻ, ông bố này đã đung đưa và lắc lư con trai mới chỉ có 7 tuần tuổi quá mạnh. Điều này càng khiến đứa trẻ ngày càng khóc to và không ngừng.
Qua ngày hôm sau, cặp vợ chồng hốt hoảng đưa con vào cấp cứu ở bệnh viện Nhi đồng Westmead sau khi cậu bé lên cơn co giật tím tái cả người.
Tại bệnh viện, các bác sĩ thông báo đứa trẻ bị chấn thương nhiều chỗ ở não, cột sống. Vì vậy, cậu bé có thể bị tàn tật suốt đời.
Sau khi nghe phán quyết của toàn án, ông bố đã đau khổ nói rằng: “Tôi chỉ bế con thôi mà”. Còn người mẹ cũng bị kết án 2 năm tù treo vì tội bỏ bê con.
4 tác hại nguy hiểm khi rung lắc trẻ
– Đầu của trẻ có trọng lượng khá nặng so với cơ thể và sự hỗ trợ của xương cổ còn yếu. Rung lắc khi bế em bé có thể dễ dàng làm hỏng các cơ và dây chằng ở cổ của trẻ.
– Mặc dù mô não bé có dịch não bảo vệ màng não, nhưng khi nó bị rung lắc mạnh (thậm chí có lúc dữ dội), mô não va chạm với hộp sọ cứng hơn có thể sẽ dễ dàng phá vỡ các mao mạch của não và gây xuất huyết nội sọ.
– Sau khi xuất huyết, áp lực nội sọ sẽ tăng nhanh, dẫn đến một loạt các triệu chứng thần kinh như chán ăn, nôn mửa, ngủ, hôn mê, chậm phát triển tâm thần, tê liệt chân tay, dễ bị chết não…
– Thủy tinh thể, nhãn cầu cũng có thể bị xuất huyết võng mạc nếu bị lắc mạnh. Nếu chấn động võng mạc mắt của em bé bị tổn thương, nó có thể dẫn đến giảm thị lực hoặc thậm chí mù lòa.
Giáo sư Neil K. Kaneshiro – Giáo sư Nhi khoa lâm sàng thuộc trường Đại học Y Washington (Mỹ) khuyên các cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên:
– Tuyệt đối không lay, rung, lắc trẻ ngay cả đang chơi hay đang tức giận.
– Không được bế con khi bạn đang giận dữ, vì lúc đó bạn rất khó kiểm soát hành vi của mình.
– Nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc tức giận với em bé thì hãy đặt con vào cũi và rời khỏi phòng. Hãy cố gắng bình tĩnh hoặc gọi cho ai đó vào bế bé thay bạn.
– Tập hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh mỗi khi bạn thấy mình đã mất hết kiên nhẫn.
– Cố gắng nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
– Chia sẻ công việc chăm sóc con và công việc nhà cho những người thân khác trong gia đình.
Trong trường hợp nghi ngờ con bị hội chứng rung lắc kèm thêm các biểu hiện: co giật, khóc không ngừng, lờ đờ, mất ý thức, bú kém, nôn mửa… thì hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.