Quá trình nuôi dạy con cái sẽ xuất hiện rất nhiều vấn đề, đôi khi gây phiền toái. Hãy học cách ứng xử với con sao cho đúng, tránh những sai lầm gây cản trở cho tương lai của trẻ.
1. Con phải luôn lắng nghe người lớn nói
Cha mẹ luôn dạy con phải biết lắng nghe người lớn. Nhưng các bậc phụ huynh lại không nhận ra rằng, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nếu cha mẹ luôn bắt con phải biết làm theo người khác, khi lớn lên, chúng có thể sẽ không dám đưa ra chính kiến của bản thân.
Chúng có thể sẽ chỉ làm theo những mệnh lệnh của người khác mà không dám hỏi bất kỳ câu hỏi nào và không dám chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Đó là lý do tại sao cha mẹ cần phải tạo cơ hội cho con cách bày tỏ quan điểm cá nhân ngay từ khi còn bé.
2. Không chia sẻ với con
Việc các bé cảm thấy tức giận khi có em là không thể tránh khỏi. Rất ít đứa trẻ chấp nhận sự thật rằng mình không còn là trung tâm sự chú ý của bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ hãy hiểu cho cảm xúc tiêu cực của con.
Nếu bạn la mắng, phạt con vì hành xử không tốt, các bé sẽ càng cảm thấy tức giận, thậm chí là ghét bỏ em mình. Điều các bé lớn đang cố truyền đạt là không muốn có em bé, không muốn mất vị trí trung tâm trong lòng bố mẹ và muốn biết bố mẹ còn yêu mình nhiều như trước không.
Các chuyên gia cho rằng trong tình huống này, thay vì quát mắng, bạn hãy bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó chịu trong lòng trẻ. Bạn nên thừa nhận với trẻ rằng đây là thời gian thay đổi vì em bé còn quá nhỏ, bố mẹ phải dành thời gian chăm sóc cho em khỏe mạnh hơn. Bạn có thể kể chuyện hồi con nhỏ như em bé bây giờ, bạn cũng dành nhiều thời gian như vậy để chăm chút. Đặc biệt, hãy nhấn mạnh rằng bạn vẫn yêu thương con như trước.
3. Không kiểm soát được cơn giận
Sự tức giận, bực bội của cha mẹ với con cái có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng, khiến chúng có xu hướng ngỗ ngược và chống đối hơn. Khi cha mẹ học được cách kiểm soát cơn giận, họ sẽ nhận thấy hành vi của con cải thiện đáng kinh ngạc, Reader’s Digest dẫn lời chuyên gia tâm lý người Mỹ Jeffrey Bernstein.
Ví dụ, cha mẹ sẽ dễ bực bội vì con không thể tự mang giày vào buổi sáng khi đi học và khiến trễ giờ. Thay vì la mắng con và làm trẻ chống đối thì họ nên chuẩn bị sớm hơn khoảng 5 đến 10 phút, tiến sĩ Bernstein nói.
4. Rèn con bằng đòn roi
Đây là quan điểm của rất nhiều bậc phụ huynh. Họ không chỉ tin rằng đòn roi là cách rèn luyện kỷ luật tốt nhất mà còn tích cực sử dụng phương pháp này khi dạy con.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết lạm dụng thể chất dẫn đến rất nhiều hậu quả, trong đó có hành vi chống đối xã hội, rối loạn tâm lý, nghiện rượu bia và chất kích thích. Đứa trẻ thường xuyên bị phạt đòn roi còn có nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và hen suyễn cao hơn.
5. Tạo thói quen xấu
Cha mẹ là tấm gương tốt nhất cho con cái, vì vậy, bố mẹ có thói quen sống lành mạnh, ắt trẻ cũng sống khoa học hơn. Kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, mẹ có lối sống tốt, nguy cơ béo phì của con cũng giảm tới 75%. Các nhà khoa học cho rằng thói quen tốt của bố mẹ ảnh hưởng tốt tới trẻ, vì thế bố mẹ cần tích cực tập thể dục, ăn uống khoa học, không hút thuốc, uống rượu hay chất kích thích. Ngoài ra, trẻ nhỏ giảm nguy cơ béo phì tới 30% nếu cha mẹ dành nhiều thời gian chơi với con.
6. Nhận điểm “A” ở trường là tốt, điểm “C” là tồi tệ
Việc áp đặt trẻ luôn phải đạt điểm “A” ở tất cả các môn có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng và áp lực. Điều cha mẹ cần làm là giải thích cho con rằng, thất bại không phải điều gì tồi tệ và chúng vẫn được cha mẹ lắng nghe, yêu thương trong mọi trường hợp.
Một nhà tâm lý học lâm sàng TS. Stephanie O'Leary cho rằng, thất bại đôi khi lại có lợi cho trẻ. Điều này sẽ dạy cho trẻ cách đối phó với những tình huống tiêu cực, trau dồi kinh nghiệm sống và giúp trẻ tìm ra giải pháp trong những tình huống khó khăn mà không sợ thất bại.
7. Chăm sóc con quá kỹ
Cha mẹ yêu thương con cái là điều hết sức bình thường. Nhưng yêu thương đến mức chăm sóc quá kỹ, không cho không gian để con tự lập sẽ kiềm chế sự phát triển của trẻ.
Trẻ em sẽ bắt đầu có khả năng tự chăm sóc bản thân khi đến một độ tuổi nhất định. Việc chăm sóc con quá kỹ, thay con làm mọi thứ là cách nuôi dạy con độc hại, khiến trẻ khó học hỏi thêm các kỹ năng mới, tiến sĩ Greenberg giải thích.
Cha
mẹ cần giao việc cho con tùy thuộc vào từng lứa tuổi, từ dắt chó đi dạo đến giặt giũ, lau dọn nhà. Ngoài ra, thứ tự chào đời, là anh chị lớn hoặc em út trong gia đình cũng sẽ ảnh hưởng đến đặc điểm tính cách của từng trẻ. Do đó, cha mẹ cần dạy dỗ với những cách tiếp cận khác nhau, theo Reader's Digest.