Tuần thứ 3 học lớp 1 con trai chị Liên đã phải học đánh vần ghép thành câu “Để bà bế bé Lê đã”, “Ba bế cả Hà, cả bé Lê” khiến cậu bé 6 tuổi rất khó đọc trôi chảy.
Đang phải xin nghỉ làm chăm sóc con ốm, chị Nguyễn Ngân (Hà Nội) cho biết, rất lâu rồi con gái chị không bị sốt, không phải uống kháng sinh. Vậy mà mới vào lớp 1 chưa được 3 tuần, từ hôm qua con gái đã “lăn đùng ra ốm”.
“Chiều nào đi học về cũng thấy con bơ phờ, tối ngồi vào bàn học là sợ. Trong khi cô giáo liên tục nhận xét con viết chậm hơn các bạn cùng lớp rồi dặn về nhà bố mẹ kèm thêm con. Kiểm tra vở tập viết thì thấy đúng là bài nào con cũng chưa hoàn thành.
Bố mẹ cứ bò ra học lại lớp 1 cùng con. Cả nhà căng thẳng chứ không riêng gì con bé. Tôi thật sai lầm khi không cho con học trước. Giờ mới thấy gian nan quá!”, chị Ngân than thở.
Không quá ngạc nhiên với điều này, chị Trần Thúy Liên (Hà Nội) cũng có con vừa vào lớp 1 cho biết tối nào cả nhà chị cũng như “chiến trận”. Con khóc, mẹ quát. Khác với con gái chị Ngân, con chị Liên lại gặp vấn đề về tập đánh vần.
Chị kể, theo chương trình cải cách “học chữ nào ghép vần chữ đấy”, đến bài 12 (tuần học thứ ba) con trai chị đã phải học ghép thành câu “Để bà bế bé Lê đã”, “Ba bế cả Hà, cả bé Lê” khiến cậu bé 6 tuổi không được đi học trước như các bạn rất khó để ghép vần trôi chảy.
“Tối nào hai mẹ con cũng ngồi đến 11h chưa xong. Đã thế sách giáo khoa còn sử dụng tiếng địa phương “ba”, lại phải giải thích lòng vòng cho con hiểu “ba” nghĩa là “bố”. Đến khổ!”, chị Liên nói.
Chuyên gia tâm lý TS. Phạm Hiền cho biết, trẻ bước vào lớp 1 là cột mốc có thể cực kỳ khốc liệt với những trẻ vừa thoát khỏi ấu thơ được chăm bẵm, phục vụ để tham gia vào môi trường phải tự lập.
“Nó là mốc quan trọng đến mức có thể huỷ hoại dần từ nhận thức, tâm lý, cảm xúc, hành vi của con trong cả tương lai. Theo đó, con có thể bị khủng hoảng tâm lý do sợ cô giáo. Trẻ sẽ không còn được vuốt ve mà phải tham gia vào nguyên tắc với sự nghiêm khắc cao….
Con cũng sẽ có thể bị khủng hoảng tâm lý do bạn bè vì con sẽ làm quen với những người bạn mới. Đôi khi con sẽ không được chấp nhận nếu giao tiếp kém nên các bạn không cho vào nhóm.
Đặc biệt, trẻ rất dễ bị khủng hoảng tâm lý do phải học. Nếu như ở cấp học mầm non, trẻ đến trường mẫu giáo chủ yếu là ăn, chơi và ngủ thì bây giờ thời gian chủ yếu là học và học”, TS. Phạm Hiền phân tích.
Chính vì những đặc điểm này, TS. Phạm Hiền cho rằng, bố mẹ, thầy cô giáo hãy chú ý nếu con là đứa trẻ nhút nhát, khó chơi được với bạn bè, khó tự lập, hay đòi hỏi, khó tập trung, dễ căng thẳng sợ hãi…
“Với các thầy cô đón trẻ vào lớp 1 cần có sự thấu cảm thực sự và nhìn từng đứa con theo đúng quy định của Bộ Giáo dục. Đó là các con không được phép học trước khi vào lớp 1. Đặc biệt với các con yếu kém hơn bạn cùng trang lứa thì càng cần yêu thương hơn”, TS Phạm Hiền nhấn mạnh.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thời gian vào lớp 1 này bố mẹ nên sát cánh cùng con. Bố mẹ nên dành thời gian học cùng con vào buổi tối.
Trong trường hợp con gặp khó khăn về chữ viết, về giao tiếp với bạn bè, về kỷ luật ở lớp học thì hãy kể cho con nghe những câu chuyện của bố mẹ về tuổi học trò, về những ngày đầu đến trường.
“Hãy giúp con hiểu được rằng, bây giờ con không chỉ đến lớp để chơi nữa mà con sẽ vừa được chơi vừa được học đọc, học viết, học làm tính,… Hãy cho con thấy được rằng, con vào lớp 1 để con sẽ đọc được thư ôngbà, cha mẹ, bạn bè viết cho con; con có thể viết thư cho bạn bè, cho những người thân, biết được những điều cần thiết cho cuộc sống”, TS Vũ Thu Hương đưa lời khuyên.
Một thực tế là rất nhiều các bố mẹ giấu kín hoặc không dám nhìn vào sự thật hoặc chỉ biết nói “giá như”, “giá mà” trong nuối tiếc về quá trình đồng hành cùng con vào lớp 1.
“Sự hối hận không thể làm nên một đứa trẻ tốt hơn. Các con có vô vàn những bế tắc, những loay hoay vô hình mà nhiều khi đến các con còn khó để có khả năng mà cảm nhận được nó hoặc cảm nhận được nhưng phải chấp nhận thôi. Bởi các con còn rất nhỏ! Vì thế, bố mẹ hãy theo sát con. Nếu cả mình và con đều bế tắc thì có thể gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm của con hoặc tham vấn tâm lý để có hướng giải quyết kịp thời”, TS Phạm Hiền lưu ý.